Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

ĐÁM TANG CỤ THÌN A NGÀY 9/3/2014

TẤT CẢ GIỚI CỰU CẦU THỦ BÓNG ĐÁ HÀ NỘI ĐÃ ĐẾN VĨNH BIỆT CÂY ĐẠI THỤ CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM ! Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, đại diện anh em CCT bóng đá Hà Nội đã đến thăm Cụ Nguyễn Văn Tỵ (tức Thìn A) tại nhà riêng. Khi ấy Cụ dẫu rất đau đớn, chỉ nằm không ngồi dậy được, Cụ vẫn cố bắt tay mọi người, cảm ơn và bảo “Các con ra ngoài uống nước với Ba Đẻn và Cao Cường …” Nay Cụ đã đi xa ! Viếng Cụ tại Nhà tang lễ Phùng Hưng hôm 9/3 giới bóng đá Hà Nội tề tựu đầy đủ. Có thể nói không chỉ đại diện của 7 đội bóng đá danh tiếng làm nên diện mạo bóng đá Hà Nội: Thể Công, CA HÀ Nội, Xây dựng Hà Nội, Bưu Điện, Đường sắt, Quân khu Thủ Đô, Phòng Không có mặt kính viếng hương hồn Cụ mà tại lễ tang người ta còn thấy có rất nhiều cựu cầu thủ các đội hạng B, phong trào và cả những người hâm mộ BĐ …nghe tin đã đến chia buồn với Anh Dũng, Thế Anh, Cao Cường, Cao Vinh, Cao Hiển, Quốc Nghị các cầu thủ thành danh là con trai và con rể Cụ Thìn A. Cho đến sát giờ làm lễ truy điệu, vẫn còn nhiều người tới viếng Cụ ! Với tình cảm chân thành của bạn bè đồng chí, đồng nghiệp, người hâm mộ dành cho Cụ Thìn A như thế, có thể nói Đám tang của một cây Đại thụ bóng đá Việt Nam, một nhân chứng của Lịch sử bóng đá Việt Nam trong những ngày mưa phùn gió bấc đã làm ấm lòng các cầu thủ con cháu Cụ, làm ấm lòng những người lấy bóng dá làm sự nghiệp của mình! Vĩnh biệt Cụ Thìn A, mong Cụ ra đi thanh thản và phù hộ cho bóng đá Việt Nam ! LỜI ĐIẾU CỤ NGUYỄN VĂN TỴ ( TỨC THÌN A) Kính thưa hương hồn Cụ Nguyễn Văn Tỵ (tức Thìn A). Kính thưa các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan, đoàn thể địa phương, khu phố, đại biểu đại diện các cơ quan đơn vị gần xa của bạn bè họ hàng, thân hữu, các con, các cháu Cụ… Kính thưa gia đình tang chủ. Kính thưa các cụ, các ông, các bà, các anh các chị, các em, các cháu… Thưa toàn thể những người hâm mộ bóng đá gần xa… Hôm nay tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, TP Hà nội chúng ta có mặt tại đây để vĩnh biệt một Cụ Ông đặc biệt: Danh thủ bóng đá nổi tiếng Đông Dương và Việt Nam những năm 1940-1960; Người Cha của một đại gia đình bóng đá đặc biệt, người thân sinh của 5 cầu thủ, trong đó có 2 danh thủ bóng đá Thể Công Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường được giới chuyên môn và những người hâm mộ nhất trí đánh giá là xuất sắc nhất Quốc Gia những năm 1960-1990! Đó là Cụ Nguyễn Văn Tỵ mà giới hâm mộ bóng đá Việt Nam thường gọi một cách thân thương là Thìn A! Cụ Thìn A sinh tháng 12 năm 1916 tại Hà Nội, ngay từ lúc chưa đầy 20 tuổi, cụ đã từng là công nhân làm việc tại Sở Hỏa xa Gia Lâm, Hà Nội. Với năng khiếu bóng đá từ nhỏ và niềm đam mê môn thể thao “vua”, trong khi vừa làm việc vừa tham gia đá bóng Cụ đã được các ông bầu của đội bóng đá Nội Châu, một đội bóng toàn cầu thủ người Việt được thành lập những năm 1930 phát hiện và mời về thi đấu. tài năng ngày càng phát triển, Cụ đã nhiều lần được gọi vào Đội tuyển Bắc Kỳ thi đấu nhiều trận trong nước và quốc tế. Năm 1946, Cụ thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp tại Cục Công binh, Bộ Quốc phòng. Năm 1950, Cụ tham gia đội bóng đá Hoàng Diệu nổi tiếng Hà nội và thường xuyên được gọi vào thi đấu cho Đội tuyển Bắc Kỳ và ở thời kỳ này Cụ nổi danh là một tiền vệ tài hoa sau những lần ra sân đọ sức với các đội bóng lừng danh khi ấy như Nam Hoa (Hồng Kông), các Đội tuyển Nam Dương, Miến Điện, Tân Gia Ba, ĐT Trung Kỳ, ĐT Nam Kỳ và các đội bóng từ Châu Âu sang giao lưu. Năm 1956, đội CAHà Nội được thành lập, cụ được mời về làm cầu thủ kiêm huấn luyện viên và đã góp phần xây dựng nên một CAHN có lối chơi đầy cá tính. Mặc dù đã ngoài 40 tuổi cụ vẫn rèn luyện đều đặn, vẫn giữ được phong độ cao, vẫn là một trong những cầu thủ trụ cột trên sân! Cho đến năm 1957, Cụ vẫn là một tuyển thủ Quốc Gia không thể thiếu trong thành phần Đội tuyển Việt Nam dân chủ cộng hòa được chính phủ cử đi thi đấu với các bạn Campuchia. Đến năm 1962, Cụ chính thức nhận nhiệm vụ HLV trưởng đội CA HÀ Nội cho đến khi nghỉ hưu. Với những đóng góp tích cực với nền thể thao cách mạng, cựu danh thủ bóng đá Đông Dương Nguyễn Văn tỵ đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen…các loại. Cụ có 9 người con, 5 người con trai, 4 người con gái. Các con của Cụ đều trưởng thành, có gia đình riêng. Các con rể, con dâu, các cháu của Cụ có người từng giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước, nhiều người tham gia Quân đội, lực lượng Công an nhân dân…Tất cả dù công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lớn mạnh, phồn vinh ! Cụ có 14 người cháu, đa số các cháu của Cụ đã trưởng thành xây dựng gia đình riêng, có công ăn, việc làm ổn định… Cụ có 18 người chắt, các chắt của Cụ đều ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, biết nghe lời thầy cô, ông bà, cha mẹ. Gia đình các con cháu Cụ hàng năm đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Gia đình Cụ là một Đại gia đình tiêu biểu trong khu phố Phan Huy Ích, phương Nguyễn Trung Trực, Quận Ba Đình , Thủ Đô Hà Nội! Sau một thời gian lâm bệnh cụ đã được gia đình, người thân, đặc biệt quan tâm chăm sóc, ban nghành đoàn thể, bà con xóm làng thăm hỏi động viên, mong cụ mau khỏe mạnh. Nhưng do tuổi cao sức yếu Cụ đã tạ thế hồi 14 giờ 32 phút, ngày 7 tháng 3 năm 2014 – Tức ngày mồng 7 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Hưởng thọ 99 tuổi. Kính thưa vong linh Cụ Nguyễn Văn Tỵ - Thìn A Nước chảy mãi, đá cũng phải mòn, lá xanh trên cây kia cũng có ngày lá vàng về cội. Cuộc đời của mỗi kiếp người cũng vậy, đất, nước, khí trời đã sinh ra ta, rồi có ngày ta cũng lại trở về với mây gió trăng sao, linh hồn phiêu diêu nơi miền cực lạc, thân thể trở về với cát bụi hư vô. Hôm nay cụ mất đi, cụ bà đã mất một bạn đời bao năm chung sức, chia sẻ vui buồn. Các con của cụ đã mất một người cha tôn kính và tự hào. Các cháu, các chắt của cụ đã mất một người một người Cụ, người Ông hiền hậu có tấm lòng bao dung luôn quan tâm thương yêu mọi người. Khu phố đã mất đi một công dân hiền lành, tốt bụng, Giới bóng đá, những người hâm mộ bóng đá đã mất đi một cây Đại thụ, mootjdanh thủ, một nhân vật lịch sử trong thời kỳ đầu tiên xây dựng Bóng đá Việt Nam! Mất mát đâu thương này không gì bù đắp nổi. Trong nỗi đau xót này, chúng con, những người đồng đội, đồng chí của các con trai, con gái Cụ, anh em, bạn bè, thân bằng cố hữu quê hương, bà con khối phố…xin chia sẻ nỗi đau buồn mất mát cùng toàn thể gia đình! Chúng con tin rằng Nhà nước sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao Cụ đã cống hiến tất cả tài năng, sức lực cho đất nước, cho nền bóng đá và thể thao Việt Nam ! Chúng con xin hứa sẽ luôn học tập tấm gương yêu nghề, nỗ lực rèn luyện, giữ gìn sự đoàn kết như cuộc đời Cụ, ngày một nâng cao tri thức và trình độ, mỗi người ỏ cương vị nghề nghiệp của mình có những đóng gopsa hữu ích cho đất nước. Giờ phút cuối tiễn biệt Cụ Nguyễn Văn Tỵ- Thìn A ra đi mãi mãi không còn ngày gặp lại, tôi đề nghị mọi người hãy để một phút mặc niệm. Vĩnh biệt Cụ ! Phút mặc niệm bắt đầu. Nhân dịp này chúng tôi xin đăng lại bài viết dưới đây của nhà báo Tân Linh (báo Thể thao Văn hóa đăng trong dịp tết giáp Ngọ)

DANH THỦ BÓNG ĐÁ NGUYỄN VĂN TỴ (THÌN A)

Những người muôn năm cũ CÒN ĐÂY LÃO TƯỚNG GẦN TRĂM TUỎI... Tân Linh Tôi hay có ý nghĩ lẩn thẩn là đi tìm những thần tượng một thời,"những người muôn năm cũ" giờ ai còn ai mất. Và người ngồi trước hiên nhà, một ngôi nhàmang phong cách cổ điển, rất Hà Nội trên phố Phan Huy Ích kia, ngồi suốt quanh năm nhìn ra đường kia là một lão tướng - danh thủ một thời. Cụ có tên là Thìn A... Thìn A là biệt danh do bạn bè anh em cầu thủ cùng thời đặt, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thìn, năm nay cụ tròn 98 tuổi. Vâng! Lão tướng gần 100 năm tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, vẫn ngồi đánh cờ suốt ngày với những chàng trai trẻ. Có thể đây lại là một kỷ lục VN, hơn thế một kỷ lục thế giới ?! Hôm nay, khi tôi đến thăm, bên cạnh ông cụ còn có bà cụ - phu nhân lão tướng... Bà già tuổi 90, tay vẫn nhanh thoăn thoắt chẻ rau sống trong một cái rổ con. Cụ bà bảo: "Ông nhà tôi gốc Thanh Oai, dưới Hà Đông cũ, nhưng gia đình sống ở phố Hàng Than. Trai tài gái sắc. Chàng trai Nguyễn Văn Thìn giỏi đá bóng mà yêu và lấy được cô gái Hà Nội gốc Yên Ninh đấy "- Bà già nói rồi cười móm mém. Đương trò chuyện với cụ bà, bỗng nhìn sang không thấy lão tướng đâu. Và kia, bên kia đường trong hàng phở đã thấy cụ ông kéo ghế gọi phở ngồi ăn sáng một mình. Nhanh thế!. Khi tôi nói ý định hỏi chuyện đá bóng cùng chuyện đời Thìn A, bà cụ bảo: Ông ấy lãng tai, khó nói chuyện lắm. Phải chờ chị Dung hay anh Dũng về mới hỏi hộ mới được!. Nói rồi bà cụ tất tả đi gọi người con trai cả tên Dũng. Nhưng ông Dũng cũng lại đi đâu không rõ... Chị Dung gặp tôi ồ lên: Có phải chú nhà báo dạo trước cạo râu cho cụ nhà tôi phải không? Sao giờ trông khác thế! Chị Dung là con gái lớn của cụ Thìn A, là vợ của một vị nguyên cục trưởng Cục thể thao thành tích cáo...Con nhà có khác, chịcos thẻ hieur bóng đá hiểu các danh thủ vốn là em mình như chính chị là... HLV vậy. Rồi khi xoay sang chuyện đá bóng của bố, chị Dung bảo: "Chỉ có anh cả Dũng mới có thể "phiên dịch" cho cụ. Thế Anh và Cao Cường ở gần đây cả nhưng mỗi người bây giờ mang tâm sự riêng, mang nỗi buồn riêng về bóng đá Việt mà thành ra không thích nhắc đến bóng đá...". Thực ra trước đó tôi đã lên tầng hai ngôi nhà đối diện, nơi có hai căn nhà của hai nhà danh thủ Thế Anh - Cao Cường nhưng cả hai đều khóa im ỉm. Tôi quá bất ngờ về những ngôi "nhà" của những người mà tiếng tăm vang dội một thời như thế. Hai căn buồng nhỏ cũ kỹ nằm trên gác hai ấy làm sao lại là "nhà" của hai danh thủ được. Nhưng đó là sự thật...Nhà của anh cả Dũng cũng bé và cũ kỹ nằm trên gác phía sau ngôi nhà của ông bà... Anh cả Dũng năm nay đã 73 tuổi, người cũng nhỏ thó như ông cụ nhưng nhanh nhẹn và rành rẽ chuyện đá bóng bởi thời trẻ từng là cầu thủ hàng B các đội nổi tiếng vì... một cánh tay bị khoèo. Câu chuyện lan man đứt quãng của lão tướng được người con cả của cụ chắp nối khá mạch lạc... "Thời trẻ tôi mê đá bóng đến quên ăn. Khu này trước toàn thị dân, nhà cửa cũ kỹ, đường sá nhỏ hẹp... Trẻ con đi học về là đá bóng. Không có nơi tập, chúng tôi ra bãi Long Biên đá bóng trên cát. Khi thành cầu thủ, chơi cùng Tòng Cháy, Tí bồ....tham gia đội Đông Dương... Đội tuyển Đông Dương, tuyển Bắc Việt của chúng tôi toàn danh thủ hàng đầu Việt Nam quy tụ, có cả cha con Trương Tấn Bửu - Trương Tấn Nghĩa. Chúng tôi làm mưa làm gió các khung thành Đông Nam Á: Nam Dương(Indonexia), Miến Điện, Hồng Kông. Có lúc khiến cha con Lý Huệ Đường người từng được gọi là "vua bóng đá Hồng Kông" phải quy phục... Thời trước đội không có ở tập trung như sau này mà là ai về nhà nấy. Sáng có ô tô đến đón, mình chỉ xách theo đôi giày. Tập xong có người dẫn đi ăn...Lương không dùng đến về đưa vợ. Mình vào Nam ra Bắc và theo quả bóng suốt cả thời trai trẻ, chỉ bà ấy lo đẻ con nuôi con, lo buôn bán la gim(gia vị nấu súp cho Tây) mà nuôi lớn 11 người con sau còn 9 đứa trưởng thành. May thời ấy đồng tiền có giá, chúng tôi đẻ các con phải nuôi vú em trông ...Đận tham gia Giải Ba miền chung kết ở Huế, còn có ảnh chụp Ứng Khê, Bền, Ka Mi, Tuất, Thọ A khi ra sân bay... Thời Pháp thuộc chủ yếu đá bóng. Đầu quân cho đội Kô Tung Canh Hà Nội, từ thời sau năm 1930, sau đá cho Đông Dương, Bắc Việt... thường xuyên đi Thái Lan, Hồng Kông. Cùng thời ấy có Thọ A, gôn Thọ ve, Bầu, Ứng, Khê, Nghĩa, Luyến... Năm 1946 Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi đi kháng chiến và được biên chế về một đơn vị công binh thuộc bộ Quốc phòng. Vợ con đi tản cư ra vùng tự do. Mình đi công tác liên miên mấy tháng lại đi tìm thăm vợ con một lần. Năm 1950 đẻ Ba Đẻn(Thế Anh). Ba Đẻn là do bạn bè đặt cho. Chả là thời trước đội bóng Địa chất có Ba Đen một cầu thủ gốc Angieri...Thế Anh ra bái bóng Long Biên cũng đen nhẻm như thế, bạn bè gọi Ba Đen mãi thành Ba Đẻn... Thời hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi về Hà Nội lại đá cho đội Hoàng Diệu, tập hợp toàn danh thủ sáng giá thời trước, đá với Ba Tơ, Bông Lau. Một thời gian về đầu quân cho Công An Hà Nội đá chân Tiền vệ phòng ngự... Năm 1960 Bác Hồ cho đội VNDC CH đi đấu giao hữu với Căm pu chia tại Pnom pênh. Lần ấy tiễn bố ra sân bay có Cao Cường mới 6 tuổi. Đá xong tôi được chụp ảnh cùng quốc trưởng Xihanuc và các hoàng tử,công chúa hoàng gia Campuchia... - Với tư cách "hổ phụ", là huấn luyện viên, bác đánh giá thế nào về 5 cầu thủ là "hổ tử" của mình? - Trong số 5 cầu thủ con tôi thì Dũng là anh cả, đá hay nhưng tay bị khoèo do ngã, vì vậy chỉ xếp đá cho đội B. Ba Đẻn và Cao Cường thì Ba Đẻn nổi lên rất sớm dù người thấp bé nhẹ cân lại có đôi chân vòng kiềng. Khi tôi làm HLV cho đội CAHN, đưa Ba Đẻn vào tập thì bị chê là bé. Ba Đẻn đành về với Thể Công. Tổ chức đơn vị hỏi tôi sao không đưa các con vào đội, tôi bảo đã cho Ba Đẻn vào nhưng các anh chê. Giờ thì nó nổi danh ở bên đó các anh lại trách tôi. Sau, đành đưa Cao Cường vào tập cho "đội nhà" theo chỉ đạo của tổ chức. Cường đá khá. Tập được một thời gian thì xảy ra chấn thương đầu gối vào bệnh viện Sanh pôn chữa mãi không lành. Các bác sĩ nghi bị...ung thư xương. Sau có ông anh tôi làm ở bệnh viện không tin, đề nghị đưa Cường sang viện K kiểm tra thì phát hiện không phải. Lại điều trị tiếp hàng năm trời... Vì "sự cố" ấy mà sau này, Cao Cường lại thuộc về Thể Công chứ không phải là CAHN. Chả là dù tập ở CAHN, những Cao Cường chưa thuộc biên chế chính thức, vì vậy khi thanh toán viện phí,CAHN không thể chi trả số tiền điều trị hơn năm tại bệnh viện. Lấy đâu ra tiền đây? Bỗng một hôm Ba Đẻn - Thế Anh đem chuyện này nói với Trung tướng Vương Thừa Vũ - Phó Tổng tham mưu,lúc này đương phụ trách đội Thể Công. Đẻn bảo: "Cháu có thằng em là Cao Cường đang tập cho CAHN nhưng khi bị chấn thương điều trị mãi mà không được thanh toán chi phí...". Nghe thấy thế, vốn mến Ba Đẻn, tướng Vương Thừa Vũ bảo: Em cậu là Cao Cường chứ gì? Cường đá tốt chứ! "Dạ tốt". "Đưa Cao Cường về đây". Vậy là tướng Vương Thừa Vũ bảo quản lý cầm giấy tờ sang thanh toán cho bệnh viện. Vậy là Cao Cường về với Thế Công cùng Thế Anh làm nên cặp đôi anh em nổi tiếng... Rõ là trong cái rủi có cái may...Hai anh em Ba Đẻn - Cao Cường về sau đều là hàng danh thủ, các ông ấy mới tiếc..." "Còn hai đứa em là Cao Vinh , Cao Hiển trưởng thành sau. Cao Vinh lúc đầu đá cho đội bóng đá Đường Sắt VN,Cao Hiển lúc đầu đá cho đội Quân khu Thủ đô sau chuyển vào Sài Gòn đá cho đội In Minh Hoàng - tiền thân của đội công an TP HCM... Lại nói Thể công thời mới giải phóng 1954, sang Trung Quốc đá và thua đội Thanh niên Bắc Kinh đến ...9 - 0. Nhưng đến thời Ba Đẻn - Cao Cường, Thể Công với Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Duy Phú, Văn Chi, Cầu, Luân sang Trung Quốc chơi một vệt các quân khu tỉnh thành về Bắc Kinh, thắng đội Bát Nhất thuộc quân Giải phóng nhân dân Trung hoa(đương kim vô địch Trung quốc) 3 - 1. Ngày phút đầu tiên, giây thứ 27 Thể Công đã xút tung lưới đội bóng lớn nhất Trung Quốc trước sự bàng hoàng của 100 000 khán giả khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đại sứ Viêt Nam chưa kịp yên vị sau khi bắt tay hai đội trở về... Huyền thoại trận thắng Bát Nhất có lẽ mãi mãi về sau không bao giờ lặp lại. Mà về Thể công là nhất. Chế độ sinh hoạt đầy đủ, áo giày đẹp... Thời ấy khó khăn,chế độ đãi ngộ với cầu thủ thủ các đội chả có gì đáng kể. Đá mỗi trận thắng thua không phân biệt mỗi người được bồi dưỡng bảy hào, tương đương 2 cốc bia hơi...Giày thì rách toạc phải ra khâu via hè. Khổ nhưng ai cũng đá bóng vô tư,vì "màu cờ sác áo"...Chấn tương, nhất là bong gân thường dùng bài thuốc dân gian mà vô cùng hiệu quả là dùng vỏ cây gạo phía mặt trời mọc, sao với rượu và nước tiểu cùng ngải cứu đắp là khỏi... Câu lạc bộ bóng đá tại... gia Thời ấy người ta sống với nhau thân tình ám áp lắm. Nhà tôi lúc nào cũng như một cái... CLB bóng đá ấy. Chả là bạn bè các con, toàn cầu thủ lớn nhỏ thường tụ về đây. Ba Đẻn và Mỵ dẫn bạn về ngủ hết ở nhà. Nhà chật thì trải chiếu ra đất. Câu chuyện bóng đá cứ là râm ran suốt ngày đêm...

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

                                  ĐỘI TP HỒ CHÍ MINH ĐOẠT CHỨC VÔ ĐỊCH
                                            GIẢI LÃO TƯỚNG HỮU NGHỊ 2012
                Sau 90 phút thi đấu, các lão tướng TPHCM đã đánh bại đối thủ Quân đội với tỷ số không tưởng 6-1 !
                Chuyện gì xảy ra mà tỷ số đậm thế ? Tại sao đội QĐ đá vòng loại với thành tích tuyệt vời như thế (thắng TH 4-1, thắng TPHCM 2-1 đứng đầu Bảng A một cách thuyết phục) lại đại bại ở trận chung kết trước đối thủ họ đã từng chiến thắng một cách dễ dàng?
                Khán giả không hiểu, coi đây là một bất ngờ ngoạn mục của Giải (!?) Rất nhiều cựu cầu thủ Thể Công do bận công tác vắng không được xem trận Chung kết này băn khoăn. Ông Nguyễn Sỹ Hiển, cựu cầu thủ Thể Công, Chủ tịch Hội đồng HLVQG (họp cùng VFF tại TPHCM tổng kết giải) điện thoại ngay sau trận tói tác giả " Sao thua đậm thế?" Ông Trương Công Lịch, một lãnh đạo Hội Cựu cầu thủ Quảng Ninh hốt hoảng gọi tác giả " Lực lượng QĐ mạnh thế mà sao lại thua đậm vậy! cứ tưởng phải vô địch chứ ?"
                 Tác giả cũng không được chứng kiến trận đấu vì lý do riêng nên băn khoăn tìm hiểu những người có trách nhiệm nhất với đội thì được giải thích ngắn gọn " Tư tưởng ăn thua quá, mất đoàn kết nội bộ, nóng nảy, đá phạm lỗi nhiều, bị trọng tài truất quyền thi đấu 2 người và ...THUA ! " Thế thì thua là xứng đáng rồi còn gì nữa !
                 Thế mới biết, các lão tướng đầu đã bạc mà vẫn còn ...hung hăng gớm nhỉ ?
                  Buồn hay vui đây?
                 Giải lão tướng mà thế này thì...còn gì là giao lưu, gặp gỡ ?

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Tin bóng đá trong ngày
                                   HAI ĐỘI LÃO TƯỚNG TPHCM VÀ QUÂN ĐỘI
GIÀNH QUYỀN THI ĐẤU TRẬN CHUNG KẾT GIẢI HỮU NGHỊ LÃO TƯỚNG 2012

Chiều Thứ Sáu, 5/10/2012 tại sân VĐ Trung tâm Đào tạo trẻ Mỹ Đình, các trận đấu Bán kết của Giải lão tướng hữu nghị 2012 đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn.
Ở trận BK 1, với đội hình đồng đều hơn, các lão tướng TPHCM đã giành thắng lợi với tỷ số 4-1 trước đội lão tướng Hải Phòng. Trong số các cầu thủ ghi bàn nổi bật có Trung phong Hoàng Tuấn, người đang dẫn đầu giải vua phá lưới.
Ở trận Bán kết 2, đội lão tướng Quân đội với sự có mặt của các danh thủ Hồng Sơn, Công Tuyền và sự xuất sắc của lão tướng Nguyễn Văn Hoàng (lứa tuổi gần 50) đã chơi một trận xuất sắc trước các lão tướng đầy nhiệt tình TT- Huế để giành thắng lợi với tỷ số 6-2.
Với kết quả này, Đội tuyển lão tướng TPHCM sẽ gặp Lão tướng Quân Đội ở trận Chung kết diễn ra vào 16h00 Chủ Nhật 7/10/2012 tại sân TT Đào tạo trẻ Mỹ Đình.

                   ĐỘI BÓNG ĐÁ U-21 SÔNG LAM NGHỆ AN ĐĂNG QUANG
                       SAU KHI THẮNG U21 NINH THUẬN VỚI TỶ SỐ 2-0
Vào hồi 16h00 chiều 5/10 tại sân VĐ Ninh Thuận, trận Chung kết Giải bóng đá U-21 báo Thanh Niên đã diễn ra giữa đội SLNA và đội Ninh Thuận trước sự chứng kiến của hơn 15.000 khán giả chủ nhà nêm kín các khán đài sân VĐ nhỏ bé này. 
Trận đấu diễn ra với chất lượng chuyên môn trung bình mặc dù cả hai đội đã rất nỗ lực với quyết tâm cao và cùng thực hiện lối đá tấn công. Khán giả chủ nhà Ninh Thuận đã không ngừng cổ vũ cuồng nhiệt cho các chàng trai quê hương và họ hy vọng U-21 Ninh Thuận sẽ làm nên điều kỳ diệu tại trận đấu này. Nhưng một lần nữa, SLNA lại cho thấy, việc họ giành Cúp lần thứ 4 là hoàn toàn xứng đáng. SLNA đã chứng tỏ sự dày dạn vượt trội trước một Ninh Thuận đầy khát vọng nhưng chưa đánh giá đúng mình và chọn đấu pháp sai lầm là chơi "ăn miếng, trả miếng" trước đối thủ "cáo già" hơn. Chính vì thế, ngay từ phút thứ 3, Ninh Thuận đã bị thủng lưới và thế trận đã thuộc về SLNA. Cho dù hiệp 2, các cầu thủ Ninh Thuận nỗ lực hơn, nhưng chỉ có thế là chưa đủ, họ đã phải vào lưới nhặt bóng lần thứ 2 và chấp nhận thất bại trước cửa "Thiên đường".
SLNA tiếp tục thống trị các giải bóng đá trẻ, tháng trước là U-17 tiếp đến nay là U-21!

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam chuẩn bị thành lập

                          Hội Cựu cầu thủ bóng đá Việt Nam
                              sắp được thành lập!
Với mục đích tri ân những cựu cầu thủ đã từngcó nhưng cống hiến cho bóng đá Việt Nam, sể tạo điều kiện cho các cựu cầu thủ giao lưu, gặp gỡ ôn lại những năm tháng vinh quang của tuổi trẻ, Giải bóng đá hữu nghị lão tướng 2012 do Trung tâm đào tạo trẻ VFF tổ chức diễn ra từ ngày 28/9/2012 đến 7/10/2012 tại sân VĐ Trung tâm đào tạo trẻ Mỹ Đình. Tham dự có 6 đội đại diện cho Quân đội và các TP, Tỉnh : Đội tuyển Quân đội (Thể công nòng cốt), TPHCM, TP Huế, Tuyển Hải Phòng, Tuyển Quảng Ninh, Tuyển Thanh Hóa cùng 2 đội bóng thuộc ngành CA Hà Nội,  Đường Sắt VN. Theo quy định của điều lệ Giải, trong số 11 cầu thủ thi đấu chính thức trên sân chỉ có 3 người từ 40 đến 44 tuổi, 4 người từ 45 đến 50 và 4 người trên 50 tuổi nên đội hình các đội dự giải là sự pha trộn của nhiều thế hệ cầu thủ. Phần lớn các cựu cầu thủ nổi tiếng một thời đã hội tụ tại sân chơi này và đã số vẫn giữ được sức khỏe và thể hiện rõ niềm đam mê và khát vọng cống hiến hết mình cho bóng đá. Lứa tuổi trên 40 vẫn còn thi đấu xuất sắc, tài hoa như Hồng Sơn, Công Tuyền, Văn Long (QĐ), Hồ Văn Lợi, Lê Huỳnh Đức, Chu Văn Mùi (TPHCM), Văn Sỹ Hùng (Thanh Hóa)…Nhìn chung các trận đấu đã diễn ra thể hiện đúng tinh thần và mục đích của Giải, đó là giao lưu, gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm một thời tuổi trẻ đã cống hiến hết mình vì bóng đá. Tuy nhiên sân chơi này vẫn còn có “sạn” do sự quá “nhiệt” của một vài cầu thủ, do có sự cố bồn khi một đội bóng bỏ cuộc chơi giữa chừng vì phản ứng trọng tài. Họ đã biết lỗi sau trận đấu và rất ân hận. “Quá giận, mất khôn” âu cũng là điều mà bất cứ trong trận bóng đá nào cũng có thể xảy ra ở môn thể thao đối kháng trực tiếp này!
Cho đến chiều 3/10, các trận đấu vòng loa ở 2 Bảng đã kết thúc. Ban tổ chức đã xác định được 2 cặp đấu ở vòng Bán kết như sau:
Bán kết 1: Hải Phòng( Nhất Bảng A) – TPHCM (Nhì Bảng B)
Bán kết 2: Quân đội ( Nhất Bảng B ) – TT Huế (Nhì Bảng A)
Các trận Bán kết diễn ra trên sân TT Đào tạo trẻ Mỹ Đình từ 15h00.
Nhân dịp Giải bóng đá lão tướng diễn ra tại Hà Nội, ngày 2/10/2012, Ban vận động thành lập Hội Cựu cầu thủ BĐ Việt Nam đã được thành lập và tổ chức họp hồi 15h00 ngày 2/10/2012.
Ông Phạm Văn Tuấn, Cựu cầu thủ Gia Lai – Kon Tum, hiện là Phó TC trưởng TCTDTT được bầu là Trưởng Ban, chủ trì cuộc họp. Thành phần tham dự có đại diện các đoàn cựu cầu thủ 8 đội dự Giải, Hội CCT HÀ Nội và Quân đội. Những cựu cầu thủ vang bóng một thời đã phát biểu thể hiện sự nất trí cao với ý tưởng tổ chức thành lập Hội của những người đã từng là cầu thủ đá bóng. Bởi không chỉ nhằm có một tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng, được tổ chức sân chơi riêng của mình, tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu thường xuyên, quan tâm đến nhau hơn mà Hội còn cố gắng để trở thành một tổ chức tư vấn về bóng đá, có những ý kiến chuyên môn sắc sảo, đúng đắn, giúp các tổ chức, cơ quan, các CLB làm bóng đá một cách chuyên nghiệp hơn.
Sau một giờ thảo luận, Hội nghị nhất trí những vấn đề cơ bản định hướng cho công tác của Ban Vận động từ nay cho đến khi tổ chức Đại hội thành lập Hội như sau:
1-     Xác định tư Tư cách pháp nhân: Hội CCT BĐVN là một tổ chức xã hội
- nghề nghiêp được thành lập tuân thủ và thực hiện theo Nghị định 45-CP/2010: Độc lập; Tự chủ về tổ chức và tài chính.
( không phụ thuộc vào VFF, không phải là cấp dưới của VFF).
2-     Ban VĐ xác định có 28 thành viên đại diện cho các đội bóng lão tướng các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
3-     Ban vận động sẽ bắt đâ thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn tại Nghị định 45-CP, trình các văn bản pháp quy để được phép có thể tổ chức Đại hội thành lập Hội CCT BĐ Việt Nam vào ngày 1/1/2013
4- Phân công công tác Ban VĐ :
01 Trưởng ban: Ông Phạm Văn Tuấn. Phó TC trưởng TCTDTT
05 Phó TB: Vũ Mạnh Hải (TC), Trần Duy Long(TPHCM), Dương Ngọc Hùng (BĐ), Nguyễn Văn Hùng(CAHN), Hồ Thanh Cang (TPHCM).
Ban Thường trực gồm: Ông Trần Duy Long, Ông Nguyễn Văn Chương     (Phó GĐTTĐT trẻ), Ông Bùi Văn Cơ (HP), Nguyễn Đức Vinh (ĐS), Hồ Nguyễn (TPHCM) tổ chức các kế hoạch vận động tài trợ, thông tin - tuyên truyền và thực hiện các bước thủ tục cần thiết trình Bộ Nội vụ.
Tiền vệ

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

CHUYỆN ĐỜI BI THƯƠNG

Những nhân vật đặc biệt của bóng đá Việt Nam

CHUYỆN ĐỜI BI THƯƠNG

       CỦA  “TÚC CẦU TIỂU VƯƠNG” NGUYỄN THÔNG

                       * Lẫy lừng sự nghiệp cầu thủ, cay đắng số phận cuộc đời
                       * Hãy trả lại sự công bằng cho huyền thoại của bóng đá VN

              Những năm 1930-1945, lịch sử bóng đá ghi nhận “Ngũ hổ Bắc Kỳ”với 5 cầu thủ Nguyên, Gòong, Thông, Hối, Viễn, trong đó xuất sắc nhất có hộ công trái (như tiền vệ ngày nay) “Túc Cầu Tiểu Vương”Nguyễn Thông. Ông còn là 1 trong 23 thành viên đầu tiên của Đoàn TDTT Quân Đội với tư cách Phó Trưởng đoàn kiêm cầu thủ và HLV Thể Công vào tiếp quản Thủ Đô năm 1954. Ông còn là Trưởng các bộ môn Bóng đầu tiên thuộc Trường Cán Bộ TDTT TƯ (nay là Đại học TDTT Bắc Ninh)
Thế nhưng, cuộc đời quả thật éo le: Một danh thủ bóng đá lừng lẫy, một chiến sỹ cách mạng khiêm tốn, giản dị đã từng có những đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng nền TDTT cách mạng lại có một số phận bi thương và đau đớn cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Như trò đùa của số phận, dường như tạo hóa đã không công bằng với “Túc cầu Tiểu vương”Nguyễn Thông.
Với tư liệu đang có cùng những điều mắt thấy, tai nghe từ những người trong cuộc, nhân lần giỗ thứ 30 của Ông (22/05/1980- 22/05/2010) bài viết này hy vọng sẽ thắp một nén hương tưởng nhớ và làm sáng tỏ được điều mà các con ông hằng mơ ước “Tìm lại chân lý và sự công bằng cho Cha, Ông chúng tôi”.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU

Vài nét tiểu sử của đại diện tiêu biểu của bóng đá Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm FIFA

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU

Tên thật là Trương Văn Niên, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1915 tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Cụ Trương Tấn Bửu sớm có năng khiếu bóng đá và đá hay từ khi còn nhỏ tuổi, lại trưởng thành vào thời kỳ những năm đầu thế kỷ XX, khi bóng đá Sài Gòn phát triển mạnh. Sau một thời gian học tiểu học ở quê nhà, năm 1928, ông thi đỗ vào trường trung học Petruský ( trường Trương Vĩnh Ký) ở Sài Gòn và chính nơi đây ông có dịp tìm hiểu và chơi bóng đá nhiều hơn. Trong cuốn bút ký của mình, Danh thủ Trương Tấn Bửu viết: “Năm 1928, tôi thi đỗ vào trường Petruský và có học bổng. Tại đây, tôi có hai kỷ niệm không bao giờ quên. Thứ nhất, các học sinh trong trường Petruský thường có những cuộc họp kín để tuyên truyền về lòng yêu nước. Có lúc tôi được tham dự cuộc họp nhưng cũng có lúc tôi đứng canh gác ở bên ngoài cho mọi người họp. Và một kỷ niệm thứ hai là chính môi trường học tại đây đã giúp tôi chơi bóng càng ngày càng hay và năng lực bóng đá của mình được phát huy thực sự”. Lúc này ( 1930), tuy mới 15 tuổi nhưng Cụ Trương Tấn Bửu đã có một sức vóc hơn người : Cụ cao trên 1m70, thân hình vạm vỡ, có kỹ năng chơi bóng đặc biệt vì thế Cụ được nhiều người đánh giá là có triển vọng nhất trong nhóm Enfants de Troupe (đội bóng thiếu sinh quân của trường Petruský). Bước ngoặt cuộc đời cầu thủ của Cụ đã đến bởi một “tại nạn” hy hữu mà sau này nhớ lại, Cụ cho rằng nếu không có “tai nạn” này, chưa chắc Trương Tấn Bửu đã có thể thành danh trên nghiệp bóng tròn sau này. Theo bút ký, Cụ viết tiếp: “ Cuối năm thứ 3 tại trường Petruský, trường mãn khoá và đã tổ chức một trận bóng đá giữa Petruský và một trường học sinh của Pháp. Tôi bị một học sinh người Pháp cố tình đá vào chân dù không có bóng. Bực mình, tôi trả đủa khiến cậu ta ngã lăn ra. Tức thì, tôi bị HLV người Pháp xếch lỗ tai, xỉ vả rất nặng nề. Uất ức vì bị một người Phát cậy thế làm nhục tỏ ra rất coi thường người Việt Nam, tôi liền chửi lại HLV này, ông ta tức quá  vào báo với Ban giám hiệu nhà trường đề nghị đuổi tôi. Thế là ngay hôm sau, tôi bị đuổi học ! ”. Chính việc bị đuổi ra khỏi trường mà Trương Tấn Bửu lại có cơ hội đến với bóng đá đỉnh cao thời bấy giờ. Không dám về nhà vì sợ cha mẹ phiền lòng, Cụ Trương Tấn Bửu liền đi gặp Ông chủ hội bóng đá và kể từ đó với tài năng đặc biệt của mình, Cụ nhanh chóng được đưa vào đội hình chính của hội để tham gia các giải vô địch hạng A. Và liền sau đó, khi mới 18 tuổi, cụ đã thi đấu cho các đội danh tiếng: Ngôi sao Gia Định, Auto - Dall, Stade  Militaire, nhiều lần VĐ Nam Kỳ. Thi đấu cho tuyển Nam Kỳ lần đầu  năm 18 tuổi, Cụ đã có mặt thường xuyên trong thành phần Hội tuyển Nam Kỳ từ những năm 1936-1945, đã từng viễn du qua Hongkong, Philippines, Malaysia, Campuchia được người hâm mộ thời đó tặng danh hiệu “trung ứng vách sắt” bởi đã từng làm nản lòng các tiền đạo giỏi khu vực, kể cả Lý Huệ Đường (Nam Hoa) từng được gọi là “Túc cầu đại vương”.
Trong đội hình xưa: 1-2-3-5, Cu là trung ứng, đá như một libero ( Hậu vệ tự do) sau này, lên công, về thủ toàn diện. Thân hình cao lớn, đậm đà, có kỹ thuật toàn diện, tranh cướp bóng dũng mãnh đối phương đều nể sợ mỗi khi đối mặt với Cụ. Khi đã tranh được bóng, cụ bình tĩnh tỉnh táo tổ chức tấn công, chuyền những đường bóng bất ngờ vừa dài, sâu, lại chuẩn vào tử huyệt của đối phương tạo điều kiện cho đồng đội ghi bàn. Cụ có cú “chặt” bóng độc đáo, chân đá vào bóng như người “chặt” trông thì rất để bóng lúc  đầu bóng đi nhanh, nhưng đến gần đồng đội thì nó lại chậm lại rất dễ cho tiền đạo nhận hoặc sút ngay ! Cách đánh đầu cũng đặc sắc: Bật lên cao, dừng trên không thân người cong như cây cung bổ xuống trái bóng chẳng khác gì một cú sút cực kỳ chính xác và mạnh như trời giáng !Khi chuyển sang đội hình chiến thuật WM, Cụ vẫn là chơi vị trí trung vệ và luôn là trụ cột cho CLB cũng như Đội tuyển.
Đầu năm 1945, khi đang đá cho Stade Militaire, Cu được nhà cách mạng Trương Văn Bang giác ngộ. Cách mạng tháng 8 rồi Nam Bộ kháng chiến, Cụ xung phong vào bộ đội, chiến đấu cực kỳ dũng cảm ở Miền Đông, đã từng bị thương, với thành tích xuất sắc, Cụ được phong cấp bậc đại đội phó. Cùng năm 1955, Cụ được lệnh ra Bắc tập kết cùng với 2 con trai( Tấn Nghĩa và Tấn Kiệt). Cụ vàTrương tấn Nghĩa, người con có năng khiếu bóng đá chẳng kém gì Cha thuộc quân số của Sư đoàn 330, đóng ở Thanh Hoá. Tiềng tăm của cụ quá nổi tiếng, Đoàn Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) mới thành lập biết tin, lập tức đón cả 2 cha con về và kể từ đó cụ  vừa là cầu thủ vừa làm HLV cho Thể Công. Dù đã ngoại tứ tuần, Cụ vẫn là trụ cột trên sân, cùng Thể Công giành 2 giải nhất Miền Bắc (1955-1956) và giải Nhì (1957).
Năm 1956,1957. 1958  Cụ là HLV ĐT Việt Nam đi thi đấu Trung Quốc và  Campuchia, là HLV dẫn đội Thể Công đi CHDC Đức dự SKDA.
Năm 1959 Cụ Trương Tấn Bửu được điều ra làm Phó Giám đốc trường HLKT TDTT TƯ (Nhổn) cho đến 1970. Cụ đã nhiều lần làm Trưởng đoàn bóng đá hoặc HLV Đội tuyển đi thi đấu nước ngoài, nhiều nhất là ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu.
Chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Trường huấn luyện giải thể, Cụ chuyển về Tổng Cục TDTT. Năm 1975, Giải phóng miền Nam, Cụ về TPHCM và đwocj tín nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Sở TDTT TPHCM cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc đời và sự nghiệp của Danh thủ Trương Tấn Bửu  gắn liền với lịch sử bóng đá Việt Nam.
Là cầu thủ Cụ là người nổi tiếng, được quần chúng cả nước yêu quý.
Là HLV Cụ đã từng thành công với đội Thể Công và Đội tuyển nhiều năm.
Là cán bộ quản lý Cụ luôn để lại uy tín,lòng kính trọng của mọi người.
 Cụ đã từng là Phó Chủ tịch Hội bóng đá Việt Nam (lúc đó do ông Hà Đăng Ấn làm Chủ tịch) - tiền thân của LĐBĐVN.

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU (NGOI GIUA)

Không chỉ ở trong nước, khi ra nước ngoài, Cụ Trương Tấn Bửu được nhiều người biết tiếng. Các vị lãnh đạo: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh dánh giá rất cao danh thủ bóng đá Trương Tấn Bửu ! Các tướng Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh thường nhắc Thể Công phải xin ý kiến Cụ Bửu ngay cả khi Cụ Bửu đã chuyển ngành .
Danh thủ bóng đá Trương Tấn Bửu không chỉ yêu say mê bóng đá mà còn là con người nhân hậu, khiêm tốn, bao dung, dễ gần và nhiều kinh nghiệm. Cụ ít nói nhưng khi đã nói là trúng và cực kỳ dễ hiểu.
Cụ Trương Tấn Bửu đã tạ thế tháng 2 năm 2001 tại TPHCM.


TIỀN VỆ

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

VĨNH BIỆT CỤ LÊ BÁCH

                   VĨNH BIỆT  CỤ LÊ BÁCH
          NHÀ THỂ THAO, NHÀ BÁO  LÃO THÀNH,
     CỰU THỦ MÔN ĐỘI BÓNG ĐÁ SEPTO HÀ NỘI

Hồi 9 giờ 32 phút ngày 19-01-2012 (tức ngày Kỷ Mão 26 tháng Chạp năm Tân Mão) tại bệnh viện Quân đội 354 Hà Nội, trái tim của nhà thể thao, nhà báo lão thành, cựu thủ môn đội bóng đá SEPTO Hà Nội đã ngừng đập sau 92 năm gắn bó bó với thể thao Việt Nam !
Lễ viếng và Truy điệu cụ Lê Bách được tiến hành từ 7h30 đến 9h00 ngày 21/01/2012 (tức 28 Âm Lịch) tại  Nhà tang lễ Bệnh viện Quân Đội 354, đường Đô Ngữ, Hà Nội.
Nguyễn Văn Đồng – Lê Bách, sinh năm 1920 tại làng Cát Tường, xã Cao Ca, nay là xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cụ theo song thân lên Hà Nội sống và học tập từ khi mới 1 tuổi. Hiện hộ khẩu Cụ Đồng là phòng 101, nhà B8 khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
Ham mộ thể thao từ nhỏ, cậu Đồng hay chui rào vào Trường Thể dục EDEP ở phố Wiélé (nay là phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng) để đá bóng, tập chạy, tập nhảy. Giữa thập niên 30, khi Trường Thể dục EDEP rời lên Cát Linh, kề phố Hàng Đẫy, mở sân bóng đá và đổi thành Hội Thể dục Bắc Kỳ (SEPTO) thì Nguyễn Văn Đồng đã là một “lưc sĩ toàn diện” chơi nhiều môn: Chạy cự ly ngắn, nhảy cao, phóng lao và…đá bóng. Môn nào cũng rất tài năng.  Khoảng thập niên 40 của thế kỷ trước, tên tuổi “lực sỹ” Nguyễn Văn Đồng đã nổi tiếng làng điền kinh Bắc Kỳ.  Tại cuộc thi Vô địch điền kinh Đông Dương năm 1942 diễn ra trên sân Manzin (sân Cột Cờ, Hà Nội), anh thanh niên 22 tuổi Nguyễn Văn Đồng đoạt Cúp cá nhận môn nhảy cao với kỷ lục 1,80 mét ! Cũng trong thời gian này Cụ còn là thủ môn xuất sắc, luôn trong đội hình chính thức của đội bóng đá nổi tiếng SEPTO Hà nội !
Cách mạng Tháng Tám 1945, như bao thanh niên yêu nước, nhất là giới thể thao danh tiếng, Nguyễn Đồng đã có mặt trong lực lượng cướp chính quyền ở Hà Nôi. Cụ tham gia Tự vệ Thành và khi toàn quốc kháng chiến đã hăng hái tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Năm 1947 là cán bộ chính trị thuộc huyện đội Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh.
Với loạt bài phóng sư ca ngợi quân dân Bắc Ninh chống càn thành công  ở mặt trận nam phần Bắc Nính, Cụ được điều động ra Việt Bắc bổ sung về báo Quân du kích (tiền thân báo Quân đội Nhân Dân ngày nay). Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, phóng viên mặt trận Nguyễn Văn Đồng với bút danh Lê Bách, viết các bài tường thuật nóng hổi về các trận đánh của bộ đội ta tiêu diệt các binh đoàn thiện chiến Pháp trên đường số 4. Từ năm 1951 Cụ về công tác ở Cục Dân quân thuộc Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng. Năm 1952 Cụ chuyển sang công tác tại Ngân hàng Khu A. Sau hòa bình năm 1954, Nguyễn Đồng-Lê Bách chuyển công tác về Tập san Tổng cục Bưu điên. Tháng 5 năm 1957 Nhà báo Lê Bách về tham gia xây dựng và là cây bút chủ lực của Báo Thể dục thể thao ngay từ số 1 ngày 16-6-1957 cho đến lúc về hưu năm 1984.
Trải 27 năm làm việc tại Báo, Cụ đảm nhận công việc Biên tập kiêm phóng viên, Thư ký tòa soạn, tổ trưởng phóng viên và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bạn đọc cả nước đã quen với nhiều bài bình luận thể thao rất sắc sảo. Nhà báo Lê Bách giữ mục “Người Quan sát” trên Báo Thể dục Thể thao với hàng mấy trăm bài có thể in thành sách. Bài nào cũng phân tích, đánh giá, lý giải rất có nghề, từng làm mê mẩn giới hâm mộ thể thao cả nước. Lê Bách cũng là cây bút viết về phong trào TDTT cơ sở gây nhiều ấn tượng trong giới quản lý TDTT các địa phương. Bài báo “Màu xanh trên vùng cát trắng” viết về Quảng Trị sau giải phóng 1975 đến nay đã hơn 1/3 thế kỷ  nhiều người vẫn còn nhớ.
Sau khi nghỉ hưu Cụ tiếp tục gắn bó với tờ Thể thao TP Hồ Chí Minh với những bài bình luận hấp dẫn về bóng đá và tiếp tục là một trong những cây bút chủ lực tạo nên thương hiệu Báo Thể thao TP Hồ Chí Minh chiếm lĩnh thị trường báo chí thể thao hàng đầu với vị thế và số lượng phát hành lớn nhất toàn quốc !
Hơn nửa thế kỷ cầm bút cần mẫn viết thể thao, không chỉ độc giả ngưỡng mộ mà phóng viên các báo, đặc biệt Báo Thể thao Việt Nam, Báo TT TP Hồ chí Minh luôn tự hào về ngòi bút bình luận sắc sảo hóm hỉnh pha chất lãng tử Hà Nội rất đáng yêu của một Lê Bách, nhà thể thao, cưu cầu thủ bóng đá !
Cho đến những năm gần “Bát tuần” nhà báo Nguyễn Đồng-Lê Bách nghỉ hưu lần nữa. Từ TPHCM Cụ trở lại Thủ Đô với gia đình thân yêu để nghỉ ngơi, nhưng trái tim của cựu thủ môn Septo dường như  không hề mệt mỏi. Cụ vẫn tham gia viết bài, đóng góp những ý kiến chân tình, thiết thực với làng báo chí thể thao, với bóng đá Việt Nam. Cụ vẫn hăm hở muốn đóng góp với báo Thể thao Việt Nam – mặc dù ông đã xa nó 25 năm…Cụ cùng với một đồng nghiệp viết chung cuốn THỂ THAO HÀ NỘI NỬA ĐẦU THẾ KỶ 20. Bản thảo cuối cùng chưa kịp đọc, Cụ đã ra đi...
Là nhà thể thao, nhà báo, Lê Bách luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Cụ là một trong những người sáng lập giải Điền kinh 5 môn phối hợp dành cho học sinh cấp trung học phổ thông của Báo Thể dục thể thao năm 1975. Năm 1978, ra đời Cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu của Báo, Cụ cũng là người hăng hái số 1. Cả hai hoạt động thể thao trên đều đã bước sang năm thứ 30… càng cho thấy những đóng góp cao cả của nhà báo, nhà thể thao Lê Bách với sự nghiệp TDTT nước nhà.
Là người trải nghiệm gần trọn một thế kỷ-nhà thể thao Nguyễn Đồng để lại cho TDTT niềm tự hào không chỉ là thành tích chuyên môn mà  còn là danh dự. Việc “Lực sĩ Nguyễn Văn Đồng” khước từ khoản tiền thưởng không hề nhỏ của viên Toàn quyền Đông Dương ngạo mạn trên sân Manzin năm 1942 là một thí dụ.
Thành đạt ở sự nghiệp TDTT, sự nghiệp báo chí, với gia đình riêng, Nguyễn Đồng-Lê Bách cũng đã xây dựng nên một gia đinh hạnh phúc. Ông có 6 người con (4 gái, 2 trai) đều đã trưởng thành và thành đạt. Gia đình cũng đã đóng góp cho Tổ quốc một Liệt Sỹ, đó là Người con trai cả Nguyễn Nhất Lang, nguyên nhân viên của Báo đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường thời chống Mỹ.
“Sinh, lão, bệnh , tử ”, đó là quy luật của cuộc đời. Chỉ sau ít ngày lâm bệnh, mặc dù đã được các bác sĩ, y tá và các con, các cháu hết sức tận tình chăm sóc, Cụ đã ra đi thanh thản ở tuổi 92…
Hội Cựu cầu thủ bóng đá Hà Nội xin chân thành gửi lời chia buồn tới Gia đình Nhà thể thao lão thành, Cựu Thủ môn Lê Bách.
Xin thông báo tới toàn thể anh em cựu cầu thủ Hà Nội và toàn quốc !
Vĩnh biệt Cụ Lê Bách, mong Cụ yên giấc ngàn thu…

T/M Hội CCT Hà Nội
VŨ MẠNH HẢI,  Trưởng ban Vận động
       Thành lập Hội CCT Hà Nội

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Đại diện Hội CCT Hà Nội thăm các cựu danh thủ gặp khó khăn, bệnh tật trước Tết Nhâm Thìn

Hà Nội những ngày giáp tết Nhâm Thìn, thời tiết đột nhiên trở lạnh bất thường. Nhiệt độ hạ thấp xuống dưới 10 độ. Cùng với mưa phùn, gió bấc đã ngăn cản các cháu bé đến trường, còn nếu không phải đến công sở, ít người dám ra đường, đặc biệt là bằng phương tiện xe máy…Vậy mà sáng sớm một ngày tháng Chạp cuối năm Tân Mão giá lạnh như thế, đại diện của những đội bóng có truyền thống lẫy lừng trước đây ở Hà Nội là Thể Công, CA Hà Nội, Đường sắt, Bưu Điện, Quân Khu Thủ Đô, PK Không Quân, Xây dựng Hà Nội cùng nhau đi xe máy đến thăm, tặng quà, chúc Tết những cựu cầu thủ Hà Nội ốm đau, bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn. Không phải không có ô tô mà bởi những người có hoan cảnh khó khăn Hội đến thăm đều ở trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Vả lại, dẫu có rét mưa thì cũng chẳng ngăn cản được tình cảm thân thương của những người đã từng một thời là cầu thủ bóng đá, một thời đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và tài năng cho  bóng đá đến với nhau!

Chị Sơn vợ ông Điệp và con gái chụp ảnh chung với Đại diện Hội CCTHN đến thăm danh thủ Nguyễn Ngọc Điệp

Các hoạt động của Hội

Một số hình ảnh tại lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập bóng đá trẻ Hải Phòng

Năm 1967, Thể Công từng đưa cầu thủ đi đào tạo nước ngoài

Kế hoạch đưa cầu thủ trẻ đi đào tạo dài hạn ở Hungary năm nay không phải là lần đầu tiên Thể Công gửi cầu thủ đi nước ngoài đào tạo. Thế hệ cầu thủ áo lính như Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp cũng từng được đưa đi Triều Tiên tập huấn gần một năm.

Đầu tháng 10/1967, trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh cùng 26 cầu thủ Thể Công ở độ tuổi 17, 18, em út của đội là Hoàng Văn Gia (hiện là HLV phó ở ĐTQG) lên tàu đi xuyên qua Trung Quốc sang Triều Tiên. Các HLV là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Công Hùng. Trong danh sách hồi ấy, có rất nhiều cầu thủ đã nổi danh trên sân cỏ và tiếp tục gắn bó với bóng đá tới bây giờ. Đó là Vương Tiến Dũng (hiện là HLV Bình Dương), Nguyễn Trọng Giáp (Phó ban các ĐTQG), Vũ Mạnh Hải (Phó tổng biên tập báo Bóng đá), Nguyễn Văn Nhật (cựu trưởng đoàn Thể Công)...

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Giải bóng đá Cựu cầu thủ Hà Nội lần thứ nhất

Giải CCT Hà Nội lần thứ nhất - 2011 do Ban Vận động thành lập Hội Cựu Cầu Thủ bóng đá Hà Nội tổ chức với sự đóng góp kinh phí của các đội bóng tham dự nhằm đáp ứng nguyện vọng của các đội bóng lão tướng bóng đá Hà Nội định kỳ hàng năm có Giải của giới Cựu cầu thủ. Thông qua Giải, Ban Vận động tuyên truyền vận động chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập Hội Cựu Cầu Thủ Hà Nội.

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

“Cháy hết mình” với trái bóng

Cách đây mấy thập kỷ, Cao Cường, Thế Anh, Quản Trọng Hùng, Mai Đức Chung, Hoàng Gia… là những danh thủ lẫy lừng tên tuổi, tung hoành ngang dọc trên sân cỏ cả trong lẫn ngoài nước với những dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Bây giờ, dù tuổi đã cao, sức đã mỏi, nhưng niềm đam mê bóng đá của họ vẫn vẹn nguyên.


Đội hình Thể Công đá với Cảng SG 1979