Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU

Vài nét tiểu sử của đại diện tiêu biểu của bóng đá Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm FIFA

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU

Tên thật là Trương Văn Niên, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1915 tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Cụ Trương Tấn Bửu sớm có năng khiếu bóng đá và đá hay từ khi còn nhỏ tuổi, lại trưởng thành vào thời kỳ những năm đầu thế kỷ XX, khi bóng đá Sài Gòn phát triển mạnh. Sau một thời gian học tiểu học ở quê nhà, năm 1928, ông thi đỗ vào trường trung học Petruský ( trường Trương Vĩnh Ký) ở Sài Gòn và chính nơi đây ông có dịp tìm hiểu và chơi bóng đá nhiều hơn. Trong cuốn bút ký của mình, Danh thủ Trương Tấn Bửu viết: “Năm 1928, tôi thi đỗ vào trường Petruský và có học bổng. Tại đây, tôi có hai kỷ niệm không bao giờ quên. Thứ nhất, các học sinh trong trường Petruský thường có những cuộc họp kín để tuyên truyền về lòng yêu nước. Có lúc tôi được tham dự cuộc họp nhưng cũng có lúc tôi đứng canh gác ở bên ngoài cho mọi người họp. Và một kỷ niệm thứ hai là chính môi trường học tại đây đã giúp tôi chơi bóng càng ngày càng hay và năng lực bóng đá của mình được phát huy thực sự”. Lúc này ( 1930), tuy mới 15 tuổi nhưng Cụ Trương Tấn Bửu đã có một sức vóc hơn người : Cụ cao trên 1m70, thân hình vạm vỡ, có kỹ năng chơi bóng đặc biệt vì thế Cụ được nhiều người đánh giá là có triển vọng nhất trong nhóm Enfants de Troupe (đội bóng thiếu sinh quân của trường Petruský). Bước ngoặt cuộc đời cầu thủ của Cụ đã đến bởi một “tại nạn” hy hữu mà sau này nhớ lại, Cụ cho rằng nếu không có “tai nạn” này, chưa chắc Trương Tấn Bửu đã có thể thành danh trên nghiệp bóng tròn sau này. Theo bút ký, Cụ viết tiếp: “ Cuối năm thứ 3 tại trường Petruský, trường mãn khoá và đã tổ chức một trận bóng đá giữa Petruský và một trường học sinh của Pháp. Tôi bị một học sinh người Pháp cố tình đá vào chân dù không có bóng. Bực mình, tôi trả đủa khiến cậu ta ngã lăn ra. Tức thì, tôi bị HLV người Pháp xếch lỗ tai, xỉ vả rất nặng nề. Uất ức vì bị một người Phát cậy thế làm nhục tỏ ra rất coi thường người Việt Nam, tôi liền chửi lại HLV này, ông ta tức quá  vào báo với Ban giám hiệu nhà trường đề nghị đuổi tôi. Thế là ngay hôm sau, tôi bị đuổi học ! ”. Chính việc bị đuổi ra khỏi trường mà Trương Tấn Bửu lại có cơ hội đến với bóng đá đỉnh cao thời bấy giờ. Không dám về nhà vì sợ cha mẹ phiền lòng, Cụ Trương Tấn Bửu liền đi gặp Ông chủ hội bóng đá và kể từ đó với tài năng đặc biệt của mình, Cụ nhanh chóng được đưa vào đội hình chính của hội để tham gia các giải vô địch hạng A. Và liền sau đó, khi mới 18 tuổi, cụ đã thi đấu cho các đội danh tiếng: Ngôi sao Gia Định, Auto - Dall, Stade  Militaire, nhiều lần VĐ Nam Kỳ. Thi đấu cho tuyển Nam Kỳ lần đầu  năm 18 tuổi, Cụ đã có mặt thường xuyên trong thành phần Hội tuyển Nam Kỳ từ những năm 1936-1945, đã từng viễn du qua Hongkong, Philippines, Malaysia, Campuchia được người hâm mộ thời đó tặng danh hiệu “trung ứng vách sắt” bởi đã từng làm nản lòng các tiền đạo giỏi khu vực, kể cả Lý Huệ Đường (Nam Hoa) từng được gọi là “Túc cầu đại vương”.
Trong đội hình xưa: 1-2-3-5, Cu là trung ứng, đá như một libero ( Hậu vệ tự do) sau này, lên công, về thủ toàn diện. Thân hình cao lớn, đậm đà, có kỹ thuật toàn diện, tranh cướp bóng dũng mãnh đối phương đều nể sợ mỗi khi đối mặt với Cụ. Khi đã tranh được bóng, cụ bình tĩnh tỉnh táo tổ chức tấn công, chuyền những đường bóng bất ngờ vừa dài, sâu, lại chuẩn vào tử huyệt của đối phương tạo điều kiện cho đồng đội ghi bàn. Cụ có cú “chặt” bóng độc đáo, chân đá vào bóng như người “chặt” trông thì rất để bóng lúc  đầu bóng đi nhanh, nhưng đến gần đồng đội thì nó lại chậm lại rất dễ cho tiền đạo nhận hoặc sút ngay ! Cách đánh đầu cũng đặc sắc: Bật lên cao, dừng trên không thân người cong như cây cung bổ xuống trái bóng chẳng khác gì một cú sút cực kỳ chính xác và mạnh như trời giáng !Khi chuyển sang đội hình chiến thuật WM, Cụ vẫn là chơi vị trí trung vệ và luôn là trụ cột cho CLB cũng như Đội tuyển.
Đầu năm 1945, khi đang đá cho Stade Militaire, Cu được nhà cách mạng Trương Văn Bang giác ngộ. Cách mạng tháng 8 rồi Nam Bộ kháng chiến, Cụ xung phong vào bộ đội, chiến đấu cực kỳ dũng cảm ở Miền Đông, đã từng bị thương, với thành tích xuất sắc, Cụ được phong cấp bậc đại đội phó. Cùng năm 1955, Cụ được lệnh ra Bắc tập kết cùng với 2 con trai( Tấn Nghĩa và Tấn Kiệt). Cụ vàTrương tấn Nghĩa, người con có năng khiếu bóng đá chẳng kém gì Cha thuộc quân số của Sư đoàn 330, đóng ở Thanh Hoá. Tiềng tăm của cụ quá nổi tiếng, Đoàn Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) mới thành lập biết tin, lập tức đón cả 2 cha con về và kể từ đó cụ  vừa là cầu thủ vừa làm HLV cho Thể Công. Dù đã ngoại tứ tuần, Cụ vẫn là trụ cột trên sân, cùng Thể Công giành 2 giải nhất Miền Bắc (1955-1956) và giải Nhì (1957).
Năm 1956,1957. 1958  Cụ là HLV ĐT Việt Nam đi thi đấu Trung Quốc và  Campuchia, là HLV dẫn đội Thể Công đi CHDC Đức dự SKDA.
Năm 1959 Cụ Trương Tấn Bửu được điều ra làm Phó Giám đốc trường HLKT TDTT TƯ (Nhổn) cho đến 1970. Cụ đã nhiều lần làm Trưởng đoàn bóng đá hoặc HLV Đội tuyển đi thi đấu nước ngoài, nhiều nhất là ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu.
Chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Trường huấn luyện giải thể, Cụ chuyển về Tổng Cục TDTT. Năm 1975, Giải phóng miền Nam, Cụ về TPHCM và đwocj tín nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Sở TDTT TPHCM cho đến khi nghỉ hưu.
Cuộc đời và sự nghiệp của Danh thủ Trương Tấn Bửu  gắn liền với lịch sử bóng đá Việt Nam.
Là cầu thủ Cụ là người nổi tiếng, được quần chúng cả nước yêu quý.
Là HLV Cụ đã từng thành công với đội Thể Công và Đội tuyển nhiều năm.
Là cán bộ quản lý Cụ luôn để lại uy tín,lòng kính trọng của mọi người.
 Cụ đã từng là Phó Chủ tịch Hội bóng đá Việt Nam (lúc đó do ông Hà Đăng Ấn làm Chủ tịch) - tiền thân của LĐBĐVN.

DANH THỦ BÓNG ĐÁ TRƯƠNG TẤN BỬU (NGOI GIUA)

Không chỉ ở trong nước, khi ra nước ngoài, Cụ Trương Tấn Bửu được nhiều người biết tiếng. Các vị lãnh đạo: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh dánh giá rất cao danh thủ bóng đá Trương Tấn Bửu ! Các tướng Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh thường nhắc Thể Công phải xin ý kiến Cụ Bửu ngay cả khi Cụ Bửu đã chuyển ngành .
Danh thủ bóng đá Trương Tấn Bửu không chỉ yêu say mê bóng đá mà còn là con người nhân hậu, khiêm tốn, bao dung, dễ gần và nhiều kinh nghiệm. Cụ ít nói nhưng khi đã nói là trúng và cực kỳ dễ hiểu.
Cụ Trương Tấn Bửu đã tạ thế tháng 2 năm 2001 tại TPHCM.


TIỀN VỆ

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá, cho ta biết thêm về các lão tướng vang bóng 1 thời mà ta còn ít thông tin. Cảm ơn Tiền Vệ!
    Có phải anh Trương Tấn Nghĩa ngồi cạnh (bên tay phải) cụ Bửu?
    Đề nghị BBT tiếp tục phát huy!

    Trả lờiXóa
  2. Các bác kể tên hộ từng cầu thủ, vị trí vì trên Cuucauthuqdtphcm mới kể được tên thủ môn Bùi Đức và HLV Lê Nhâm.

    Trả lờiXóa