Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Đại diện Hội CCT Hà Nội thăm các cựu danh thủ gặp khó khăn, bệnh tật trước Tết Nhâm Thìn

Hà Nội những ngày giáp tết Nhâm Thìn, thời tiết đột nhiên trở lạnh bất thường. Nhiệt độ hạ thấp xuống dưới 10 độ. Cùng với mưa phùn, gió bấc đã ngăn cản các cháu bé đến trường, còn nếu không phải đến công sở, ít người dám ra đường, đặc biệt là bằng phương tiện xe máy…Vậy mà sáng sớm một ngày tháng Chạp cuối năm Tân Mão giá lạnh như thế, đại diện của những đội bóng có truyền thống lẫy lừng trước đây ở Hà Nội là Thể Công, CA Hà Nội, Đường sắt, Bưu Điện, Quân Khu Thủ Đô, PK Không Quân, Xây dựng Hà Nội cùng nhau đi xe máy đến thăm, tặng quà, chúc Tết những cựu cầu thủ Hà Nội ốm đau, bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn. Không phải không có ô tô mà bởi những người có hoan cảnh khó khăn Hội đến thăm đều ở trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Vả lại, dẫu có rét mưa thì cũng chẳng ngăn cản được tình cảm thân thương của những người đã từng một thời là cầu thủ bóng đá, một thời đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và tài năng cho  bóng đá đến với nhau!

Chị Sơn vợ ông Điệp và con gái chụp ảnh chung với Đại diện Hội CCTHN đến thăm danh thủ Nguyễn Ngọc Điệp
Địa chỉ đầu tiên Hội đến thăm là ở ngõ Hàng Chỉ, nơi một danh thủ của CAHN gặp bạo bệnh đang nằm ở đó. Giới bóng đá và những người hâm mộ những năm 1970 – 1980 hẳn không quên tiền vệ tài ba đội CA Hà Nội Nguyễn Ngọc Điệp. Vóc người nhỏ bé, đôi chân vòng kiềng nhưng một khi tiếng còi trọng tài vang lên báo hiệu trận đấu bắt đầu là người ta thấy Điệp “lùn” chạy và chạy…Anh như người “không phổi” có mặt khắp các điểm nóng trên toàn mặt sân, lên công, về thủ, tranh cướp bóng rồi tung ra những đường chuyền sát thủ làm rối loạn hàng hậu vệ đối phương tạo điều kiện để trung phong Từ Như Hiển, tiền đạo Đặng “cóc” lao vào ghi bàn ! Không chỉ có đá bóng, Điệp “lùn”còn là một chàng trai Hà Nội gốc (nhà ở Phố Ấu Triệu), hào hoa phong nhã với giọng hát “chẳng kém gì dân chuyên nghiệp” như nhận xét của Đại tá Nghệ sỹ ưu tú, Giảng viên âm nhạc Minh Đức! Mạnh mẽ và dẻo dai trên sân cỏ, trên 60 tuổi, anh vẫn ra sân đá bóng, huấn luyện các cháu nhỏ. Anh là cánh tay phải của Chủ tịch Hội bóng đá CA Hà Nội Nguyễn Văn Hùng tổ chức thống nhất các cựu cầu thủ CAHN luyện tập, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè bóng đá toàn quốc …Vậy mà mấy ai ngờ được, một buổi tối tháng 5 năm nay cơn nhồi máu cơ tim bất ngờ đã hạ gục anh ! Nguyễn Ngọc Điệp đã phải nằm liệt giường, cuộc sống của anh giờ đây trông vào sự chăm sóc rất chu đáo và nhiệt tình của chị Sơn, vợ anh cùng cô con gái ! Đến thăm Nguyễn Ngọc Điệp, mọi người không dấu được xúc động. Anh nằm đó bất động, đôi mắt mở to nhìn mọi người trong vô thức…Những kỷ niệm một thời sân cỏ lại hiện về trong tôi, khi đối đầu với anh trong các trận derby giữa CAHN và Thể Công. Là tiền vệ đánh chặn ở giữa sân có nhiệm vụ phá vỡ mưu đồ tấn công của đội bạn và thu hồi bóng, do đó tôi thường xuyên đụng độ va chạm nảy lửa với Điệp “lùn”. Cùng “máu”và quên mình như nhau, anh và tôi nhiều phen không kìm được nóng giận, thậm chí vài lần đá xấu nhau khiến trọng tài phải giơ thẻ… nhưng rất may, moij việc chỉ dừng lại ở khuôn khổ cho phép. Bởi sự tôn trọng tài năng của nhau là một trong những đức tính của cầu thủ chân chính. Với tôi, Nguyễn Ngọc Điệp là một trong những tiền vệ tấn công hay nhất Việt Nam. Anh xứng đáng là danh thủ đội tuyển QG.


Nắm tay Nguyễn Ngọc Điệp và tạm biệt chị Sơn, vợ anh, cũng là bạn bè thời tuổi trẻ, cố dấu những giọt nước mắt cứ tràn ra, tôi không nói được gì, khi Văn Hùng thay mặt anh em tặng quà, nói lời chia tay và chúc mừng năm mới. Sơn vợ anh cảm ơn và nói rằng “Cảm ơn các anh đã đến thăm, chỉ mong Anh Điệp biết các anh đến, thế là hạnh phúc lắm rồi…”

Cựu danh thủ Lê Văn Phúc ( thứ 2 từ trái sang) cảm ơn các bạn đồng nghiệp.
Tiếp tục lên đường chúng tôi cùng nhau hướng đến cuối phố Mai Hắc Đế, nơi gia đình cựu hậu vệ Trường HLKTTW và Bưu Điện, danh thủ Lê Văn Phúc ở đó. Căn nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ trên tầng 2 đang bộn bề sơn sửa, cơi nới nâng cấp. Hàng năm tôi đều đến thăm anh, nhưng năm nay mừng cho Lê Văn Phúc nhà rộng hơn, có thêm căn gác xép cho vợ chồng con trai và 2 cháu nội khỏe mạnh xinh xắn. Phúc như khỏe hơn, anh di chuyển nhanh hơn và cũng nói nhiều hơn… Anh cũng có một bà xã tuyệt vời chăm sóc để nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp gọn gàng. Được biết Hội cử chúng tôi đến thm tặng quà chúc Tết sớm, Phúc phấn khởi lắm, anh kể “ Đến năm nay là năm thứ 12 tôi phải ngồi xe lăn rồi đấy ( Lê Văn Phúc bị tai nạn ôtô bị liệt nửa người) không có bà xã thì tôi không có được như ngà hôm nay, nhưng vui nhất là các bạn bóng đá đến chơi” Tỉnh táo và minh mẫn, năm nay 64 tuổi, Phúc vẫn nhớ những gì anh đã hết mình dành cho bóng đá thời trai trẻ. Những kỷ niệm thời trai trẻ nghịch ngơm ở Trường Huấn luyện, các trận đâú với CAHN, Thể Công, QKTĐ, PKKQ được Lê Văn Phúc nhắc lại như mới xảy ra hôm qua. Tôi ngồi nhìn Phúc: Khuôn mặt dữ dằn, ngang tàng thời trai trẻ đã thêm nhiều nếp nhăn, râu tóc đã bạc trắng cả rồi nhưng dường như niềm đam mê bóng đá không thể tách rời anh. Anh say sưa bàn chuyện bóng đá thời nay, nào là bọn trẻ ít chịu rèn kỹ thuật cơ bản quá, nào là đá bóng bây giờ sướng thật nhưng cầu thủ giỏi lại ít đi…Tôi lại nhớ những năm sung sức, trong màu áo Đội Trường HLKTTW và sau này là Bưu Điện, là hậu vệ biên (cả phải và trái đều chơi tốt) đã mấy tiền đạo nào một đánh một qua được Phúc “vổ”, kể cả Ba Đẻn. Ngày ấy, Lê Văn Phúc sở hữu một tầm vóc đáng thèm muốn: Anh cao trên 1m70, người dong dỏng cao, gọn gàng có tố chất của một vận động viên điền kinh nhưng lại có năng khiếu bóng đá: Tốc độ cực nhanh, sức mạnh tuyệt vời, sự bền bỉ, xoay trở linh hoạt lại là sở trường do đó tuy là hậu vệ nhưng anh chơi đầy chất kỹ thuât, tỉnh táo, ranh mãnh và không kém phần “quỷ quái”. Phúc là một hậu vệ hiếm hoi của Việt Nam chơi rất có tính toán, cũng là cầu thủ biết “đá láo”,dằn mặt đối phương những lúc cần thiết. Anh là hậu vệ biên xuất sắc nhất Việt Nam những năm 1970-1980! Anh nói với chúng tôi “ Các ông ạ, Tôi chỉ xin có ý kiến là Hội CCT Hà Nội ra đời hãy tổ chức một năm đôi ba lần cho anh em gặp nhau, được không? Tôi và anh em mong lắm !” Vâng đó cũng là suy nghĩ chung của tất cả anh em. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho được việc này.
Đến thăm Lê Văn Phúc, chúng tôi còn nói chuyện được với anh, chia sẻ khó khăn, còn có dịp ôn lại những kỷ niệm thời trai trẻ, nhưng người mà Hội CCT Hà Nội đến thăm cuối cùng trong dịp này thật đáng thương. Đó là Lê Mai Tú, cựu tiền đạo biên phải đội Trường HLTW sau đó là đội Bưu Điện. 10 năm trước, Anh cũng bị nhồi máu cơ tim quá nặng gục ngã khiến chân tay bị ảnh hưởng ngày càng xấu đi. Những năm trước đến thăm, anh còn nói được đôi chút, nhưng năm nay, cho dù vẫn biết, vẫn nhận ra bạn bè, đối thủ khi xưa nhưng giờ đây, Lê Mai Tú chỉ nửa nằm, nửa ngồi và khóc như mưa khi bắt tay từng người một trong Ban đại diện Hội CCT !
Cựu danh thủ Lê Mai Tú (nằm) khóc khi nhận ra những người đến thăm
Trong bóng đá luôn luôn có những cầu thủ đặc biệt. Lê Mai Tú ở trong số đó. Anh sinh năm 1945 ở Vinh, Nghệ An, anh được tuyển chọn vào lớp năng khiếu bóng đá Trường HLTW những năm 1960 và sau đó rất nhanh Tú trưởng thành và trở thành một tiền đạo biên phải xuất sắc của Trường HLTW và ĐTQG. Tầm vóc không cao lớn, nhưng Lê Mai Tú luôn chơi bóng với phong cách nghệ sỹ. Anh có sở trường là động tác dẫn bóng kết hợp động tác giả qua người tuyệt đẹp, luôn gây bất ngờ cho đối phương, có thể liền một lúc đột phá qua 2, 3 hậu vệ (Thể Công có 2 cầu thủ làm được như Tú là Nguyễn Viết Cầu và Nguyễn Thế Anh). Có thể nói, bóng đá Việt Nam không nhiều những cầu thủ có sở trường như Lê Mai Tú. Cho đến ngày nay, chưa có cầu thủ nào có động tác qua người tinh tế như Lê Mai Tú, Nguyễn Viết Cầu và Nguyễn Thế Anh thời trước. Có thể về giá trị thực dụng trong một trận đấu chưa cao, nhưng về tính cống hiến và nghệ thuật Tiền đạo Lê Mai Tú luôn làm khán giả có những phút thư giãn thỏa mãn. Lê Mai Tú là thế, anh là cầu thủ đẹp trai, có trình độ lập luận sắc sảo, hào hoa phong nhã. Anh là mẫu của một cầu thủ tri thức.Thật đáng tiếc cho một con người tài hoa như anh.
 
Chúng tôi đến thăm và nói chuyện nhiều với chị Liên- một người vợ tuyệt vời may mắn anh đã có được – Tuy đã gần 60 nhưng người phụ nữ này vẫn còn giữ lại những nét đằm thắm của một cô gài Hà Nội tài sắc. 11 năm nay, chị chăm sóc cho anh sạch sẽ, tươm tất, nuôi dạy 2 cậu con trai ngoan ngoãn, thành đạt. Họ sống trong cùng một mái nhà đầm ấm ở làng Khương Trung. Tiễn chúng tôi lúc tạm biệt, Chi Liên cảm động “ Rất cảm ơn các anh đã đến thăm. Anh Tú nhà em thêm vui, bớt đi buồn bực, đau đớn ! Hôm nay mưa rét thế này các anh đến, em rất trân trọng tình ca, nghĩa tình của những người đã từng là cầu thủ với chồng em…”
Chúng tôi ấm lòng bởi những lời Chị Liên đã nói. Cho dù trước đây là đối thủ hay đồng đội, cho dù bây giờ có người thành đạt, người còn khó khăn, đau yếu, bệnh tật thì cần phải nhớ rằng: Họ là những người đã có công góp sức xây dựng nền bóng đá Hà Nội,  bóng đá Việt Nam. Không được quên những người đi trước, đó là thông điệp Hội Cựu Cầu thủ Hà Nội muốn gửi đến mọi người….
VŨ MẠNH HẢI

1 nhận xét:

  1. Gặp lại các cầu thủ vang bóng 1 thời mà tôi từng có kỉ niệm.
    - Với anh Điệp "lùn": Đầu năm 2008 khi quay trở ra HN vì việc nhà, do chơi với Văn Hùng từ "hồi Trỗi" mà được chơi bóng với đội Lão tướng CAHN. Hai đàn anh Lan và Điệp luôn là phần hồn của đội trong mỗi chiều thứ bảy trên sân Thủy Lợi. (Giang mù hay trêu cặp này như Lan và Điệp trong "Chuyện tình L&Đ"). Đá xong anh em còn tụt tạt uống bia. Đội từng lên đá trên Tp Bắc Ninh mà tôi cũng "ké" được 15'. Anh Điệp hát rất hay, chả kém gì Minh Đức, Quang Thọ hôm mừng sinh nhật Café PHỐ.
    Vậy mà nay anh nằm 1 chỗ. Nhớ và thương anh quá!
    - Anh Phúc "vổ" thì nhớ cái tài hậu vệ và lối đá khéo nhưng "rắn" của anh.
    - Anh Lê Mai Tú ngày về Từ Sơn học có tên trong đội hình Đại học TTTD tham gia Giải bóng đá Bộ Đại học (1976). Bỏ nghề đi học rồi mà 2 chân vẫn khéo lắm. Cánh cán bộ, học viên Đại học KTQS trên Vĩnh Yên rất mê khi xem các anh đá ở sân Bảo Sơn. Trận đó đội QS thua (là cái chắc!) nhưng được chiêm ngưỡng nhiều danh thủ vang bóng 1 thời.
    Vậy mà nay anh "liệt". Mong anh giữ được sức khỏe!
    Các anh ngoài đó đã làm được những việc hết sức ý nghĩa trước thềm của năm mới 2012 Nhâm Thìn này.

    Trả lờiXóa