Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Năm 1967, Thể Công từng đưa cầu thủ đi đào tạo nước ngoài

Kế hoạch đưa cầu thủ trẻ đi đào tạo dài hạn ở Hungary năm nay không phải là lần đầu tiên Thể Công gửi cầu thủ đi nước ngoài đào tạo. Thế hệ cầu thủ áo lính như Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Nguyễn Trọng Giáp cũng từng được đưa đi Triều Tiên tập huấn gần một năm.

Đầu tháng 10/1967, trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh cùng 26 cầu thủ Thể Công ở độ tuổi 17, 18, em út của đội là Hoàng Văn Gia (hiện là HLV phó ở ĐTQG) lên tàu đi xuyên qua Trung Quốc sang Triều Tiên. Các HLV là Nguyễn Văn Tiền, Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Công Hùng. Trong danh sách hồi ấy, có rất nhiều cầu thủ đã nổi danh trên sân cỏ và tiếp tục gắn bó với bóng đá tới bây giờ. Đó là Vương Tiến Dũng (hiện là HLV Bình Dương), Nguyễn Trọng Giáp (Phó ban các ĐTQG), Vũ Mạnh Hải (Phó tổng biên tập báo Bóng đá), Nguyễn Văn Nhật (cựu trưởng đoàn Thể Công)...

Trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh (trái) và
ông Vương Tiến Dũng (khi đó là cầu thủ)
tại Triều Tiên.

Khi tới Triều Tiên, đoàn Thể Công ở tại trung tâm của một đội bóng quân đội thường xuyên có nhiều cầu thủ được gọi lên tuyển. Điều kiện ăn ở tại đây tốt, nhất là khi ở nhà, Việt Nam hồi đó vẫn đang trong hoàn cảnh chiến tranh. Thể Công đề nghị các HLV của đội bạn làm thày giúp cho, nhưng phía bạn từ chối vì theo họ tự làm lấy thì sẽ tốt hơn ỷ lại người khác.

Mang tiếng đi nước ngoài, nhưng những ngày tháng tập luyện bên đất bạn cũng gian khổ không kém, khi điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt. Mùa đông, nhiệt độ xuống -17 độ C, khi tập chạy việt dã xong, tay cứng lại rút găng ra khó khăn, đã có anh em khóc. Nhưng rồi, những tin vui thắng trận từ quê nhà báo sang, ước mơ được đá giao hữu với các đội bóng trong Nam ngày càng gần, ý chí cầu thủ tăng cao. Nhiều buổi chạy tốc độ, cầu thủ xin chạy kiểm tra lại nhiều lần. BHL cũng rất quan tâm tới việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cầu thủ.

Chính những ngày ở Triều Tiên, BHL cũng nghĩ ra nhiều mẹo để bồi dưỡng thể lực cho cầu thủ. Thế Anh (Ba đẻn) chỉ nặng 50 kg, nhưng nhờ ăn một củ sâm hầm gà cách thuỷ nhạt muối sau đó nghỉ tập 10 ngày để ít ra mồ hôi. Kết quả, Thế Anh tăng thêm 3 kg.

Trong đợt tập huấn, đội có 40 trận đấu tập với bạn. Các đội bạn mạnh, những vẫn thích đá với các cầu thủ Thể Công nhỏ người nhưng nhanh nhẹn, kỹ thuật nhỏ khá, đá biến hoá. Tháng 5/1968, Thể Công dự giải trẻ Quân đội nhân dân Triều Tiên có 8 đội tham gia, đá mỗi ngày một trận. Thể Công thắng 4 trận, thua 2. Sau đó, Thể Công tiếp tục dự hai giải trẻ toàn quân, thắng 3 trận, thua 2 trận. Sau đó, Thể Công còn đá thêm một số trận. Trong số 40 trận, người đá nhiều nhất là Phan Văn Mỵ (14 trận).
Ảnh chụp tại sân Cột cờ (Măng-danh) khi chuyên gia Đức Governer sang huấn luyện.
Sau đó Thể Công đoạt Huy chương Vàng.
Sau gần một năm tập luyện bên Triều Tiên, đoàn Thể Công lên đường về nước sau một bữa đãi các bạn Triều Tiên món thịt cầy dân tộc. BHL nhận định, trong 26 cầu thủ hồi đó có 15 người có triển vọng, trong đó 7-10 cầu thủ có thể đá ở đội một Thể Công và cả cho ĐTQG. Tiền đạo có Vũ Đình Bội, Thế Anh, Ngọc Chí..., tiền vệ có Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải,... hậu vệ là Duy Phú, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Văn Nhật... Về sau, những cầu thủ này đã nhanh chóng trở thành trụ cột của Thể Công và cả đội tuyển quốc gia trong những năm 70.

Khi về nước, đội đã thi đấu báo cáo với Công an Hà Nội 2 trận lần lượt với tỷ số thua 0-1 và thắng 4-2, thua đội một Thể Công 1-2, thắng Phòng không 4-0.

Anh Dũng (TheoVnExpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét