Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

CHUYỆN ĐỜI BI THƯƠNG

Những nhân vật đặc biệt của bóng đá Việt Nam

CHUYỆN ĐỜI BI THƯƠNG

       CỦA  “TÚC CẦU TIỂU VƯƠNG” NGUYỄN THÔNG

                       * Lẫy lừng sự nghiệp cầu thủ, cay đắng số phận cuộc đời
                       * Hãy trả lại sự công bằng cho huyền thoại của bóng đá VN

              Những năm 1930-1945, lịch sử bóng đá ghi nhận “Ngũ hổ Bắc Kỳ”với 5 cầu thủ Nguyên, Gòong, Thông, Hối, Viễn, trong đó xuất sắc nhất có hộ công trái (như tiền vệ ngày nay) “Túc Cầu Tiểu Vương”Nguyễn Thông. Ông còn là 1 trong 23 thành viên đầu tiên của Đoàn TDTT Quân Đội với tư cách Phó Trưởng đoàn kiêm cầu thủ và HLV Thể Công vào tiếp quản Thủ Đô năm 1954. Ông còn là Trưởng các bộ môn Bóng đầu tiên thuộc Trường Cán Bộ TDTT TƯ (nay là Đại học TDTT Bắc Ninh)
Thế nhưng, cuộc đời quả thật éo le: Một danh thủ bóng đá lừng lẫy, một chiến sỹ cách mạng khiêm tốn, giản dị đã từng có những đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng nền TDTT cách mạng lại có một số phận bi thương và đau đớn cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Như trò đùa của số phận, dường như tạo hóa đã không công bằng với “Túc cầu Tiểu vương”Nguyễn Thông.
Với tư liệu đang có cùng những điều mắt thấy, tai nghe từ những người trong cuộc, nhân lần giỗ thứ 30 của Ông (22/05/1980- 22/05/2010) bài viết này hy vọng sẽ thắp một nén hương tưởng nhớ và làm sáng tỏ được điều mà các con ông hằng mơ ước “Tìm lại chân lý và sự công bằng cho Cha, Ông chúng tôi”.
             Cái chết cô đơn của “Túc cầu tiểu vương”
Tối 22/5/1980 một người đàn bà tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm im lìm trong một góc sân vận động Đông Kinh (Lạng Sơn), nơi “thầy” Thông tá túc sau những giờ hướng dẫn các em, các cháu tập đá bóng. Gọi là cái chòi thì chính xác hơn bởi nó đơn sơ như chính bản chất người lính cầu thủ mà ông đã từng nếm trải... Người đàn bà đến tìm ông tên là Ph. Thường ngày bà vẫn đến, lặng lẽ chăm sóc ông như một người thân. Khi thì ấm trà, lúc tấm bánh, khi trái cam tươi…Cùng hoàn cảnh cô đơn, lại yêu mến vì tài danh và đức độ, bà muốn gắn bó với ông suốt cả cuộc đời…nhưng ông từ chối. Dường như với ông sự cô đơn đã là người bạn chung thủy nhất trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. Nhưng bà Ph. vẫn hy vọng… Mấy hôm trước, do mệt mỏi, ông phải vào bệnh viện tỉnh đề kiểm tra. Hôm nay là ngày ra viện, bà đã định đi đón, nhưng ông không đồng ý, tối nay đến tìm ở sân không thấy, bà lại vào thị xã, đến mấy nhà người quen thì được biết, buổi chiều một mình từ bệnh viện tỉnh về, Nguyễn Thông có ghé vào nhà ông bạn già Trần Năm (bạn cũ, cũng là một cựu cầu thủ có tiếng ở Lạng Sơn) trò chuyện và uống trà. Mãi sau ông mới về đến “nhà”- cái chòi nhỏ - trong sân đá bóng Đông Kinh lúc ấy vừa chiến tranh biên giới xong còn hoang tàn lắm. Bà quay lại sân gọi tên ông rất to…Như linh tính có chuyện chẳng lành, bà vội đi sâu vào tận cuối sân thì phát hiện thấy một bóng người đang ngồi tựa vào chiếc ghế đá đơn độc, nơi vắng vẻ nhất. Bà cất tiếng hỏi: Ông Thông đấy à? Không có tiếng trả lời. Lại gần, bà đánh bạo lay vào người thì ông đổ vật ra, thân thể đã cứng đờ, lạnh ngắt ! Hoảng hốt bà thét lên: “Có ai không? Ông Thông chết rồi! Trời đất ơi! Ông Thông ơi!...” Ông đã ra đi tự bao giờ.
Vâng, “Túc cầu tiểu vương” Nguyễn Thông, một người đàn ông hùng dũng, oai phong lẫm liệt như một ông vua trên sân cỏ, nức tiếng khắp Hà thành,  Sài gòn – Chợ lớn, Bắc  Trung Nam đã ra đi mãi mãi vào một buổi tối tháng 5 cô quạnh nơi Lạng Sơn xa xôi như thế đấy. Ông về cõi vĩnh hằng trong cô đơn, mang theo những điều cay đắng dành cho quãng đời còn lại của một huyền thoại sân cỏ Việt Nam!
Ty TDTT tỉnh và Hội bóng đá Lạng Sơn tổ chức lễ tang “Túc cầu Tiểu vương” Nguyễn Thông cực kỳ chu đáo. Người ta an táng ông ở nghĩa địa Núi Đầu. Khi an táng, ông là “cư dân” thứ ba ở đây nhưng rồi đã có hàng nghìn ngôi mộ to nhỏ khác nhau và lâu dần người ta không còn xác định rõ vị trí ngôi mộ của Nguyễn Thông. Vào những năm 1990, 1995…và sau đó, trong các dịp kỷ niệm thành lập Trường cán bộ TDTT Từ Sơn, Hội học sinh khoá TC2 và gia đình cố gắng đi tìm mộ ông mà không đặng. Năm 2008, nhờ có sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, nhà thơ Hồ Tuệ, ông Lê Thường cùng mấy người bạn già tâm huyết, người con thứ Nguyễn Thọ cùng vợ và các con mới tìm được chính xác nơi ông an nghỉ.
Chuyện kể rằng, khi an táng ông, cơ quan tìm thấy trong “tủ gia tài” của thầy Thông có cái mũ kát-két xanh mà lúc huấn luyện vẫn thường đội đội lên đầu cùng đôi săng-đan chưa thấy ông dùng bao giờ đã lấy ra xỏ vào chân cho ông khi liệm. 28 năm sau, chính hai vật kỷ niệm giản dị ấy đã cho con trai và 3 cháu nội nhận “đúng là ông nội mình đây rồi!”. Gia đình Nguyễn Thọ đã đưa ông từ Núi Đầu (Lạng Sơn) về Bất Bạt (Hà Tây, nay là Hà Nội). Huyền thoại bóng đá Việt Nam hiện đang yên nghỉ tại ngôi mộ số 177, khu G.17. Ông đã lại về Hà Nội quê hương  trong sự đùm bọc ấm áp kính yêu của các con, cháu. Người vợ duy nhất của ông - bà Lê Thị Trang - vì số phận đưa đẩy buộc phải xin phép ông để lấy chồng người Pháp và đã có 8 người con riêng, nay tuy ở tuổi 85 nhưng Tết nào về Sài Gòn cũng ra Bắc thăm hai gia đình con trai, các cháu nội.
              Nỗi oan tày trời chưa được giải đáp
          Năm 1965, đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, bất ngờ Trưởng các môn bóng Nguyễn Thông của Trường Cán bộ TDTT Trung ương, bị kiểm điểm về tội “quan hệ nam nữ bất chính”. Ông Thông sững sờ và phủ nhận, báo cáo sự thật trước chi bộ Đảng. Nhiều đồng nghiệp và những học trò của ông khi ấy đã bảo vệ ông, nhưng rồi bản án kỷ luật cả về Đảng và chính quyền vẫn cứ ban ra. Ông không được giảng dạy nữa. Người ta không phân công tác, để ông “ngồi chơi, xơi nước”.
Nghe hung tin, các bạn ông: Lê Siêu, Trưởng Ty TDTT Lạng Sơn và cựu cầu thủ bóng đá Trần Năm cùng Hội bóng đá Tỉnh liền đánh xe về tận Trường xin đón ông lên Lạng Sơn “để phục dựng phong trào bóng đá cho tỉnh”. Được biết Trưởng ty chạy cả về Uỷ ban TDTT 36 Trần Phú (Hà Nội) kiến nghị, đưa công văn, Trường cán bộ TDTT TW mới “tạm tha thầy Thông”. Quyết định số 79 ngày 10/6/1965 do Uỷ viên Thường trực Ngô Luân KT/Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT ký ghi rõ: Nay điều động ông Nguyễn Văn Thông cán bộ thuộc Trường Cán bộ Thể dục thể thao trung ương đến nhận công tác tại Ban Thể dục thể thao tỉnh Lạng Sơn. Nhưng bản án kỷ luật oan ức kia vẫn không được xóa, mặc dù ông đã trình bày rõ sự thật: Ông là người không có vợ từ năm 1960. Từ năm 1947, vì bị o ép là “Gia đình Việt Minh” ở Hải Phòng, vợ ông đã phải cùng 2 con nhỏ trốn vào Sài Gòn. Năm 1950 vì bảo vệ 2 con và gia đình, bà Trang buộc phải lấy người chồng Pháp đã theo đuổi bà từ ngày còn ở Hải Phòng. Năm 1960, bà gửi bưu thiếp ra Bắc, xin lỗi đắc tội, phải lấy chồng và khuyên ông đi lấy vợ khác. Năm 1961 ông quen một nữ học sinh khoá TC1 Trường Cán bộ TDTT TW quê Hải Phòng. Quan hệ tình cảm của 2 người rất thân thiết nhưng không hề có chuyện gì khuất tất…
      Thế mà cho đến tận bây giờ, nỗi đau của bản án kỷ luật tày trời ấy ông vẫn phải đem theo dưới mồ không chỉ hơn 30 năm.
             Tình yêu chung thủy và số phận cay đắng
Nguyễn Thông lập gia đình năm 1942. Sau khi kháng chiến bùng nổ, gia đình ông ở Hải Phòng bị Pháp truy bức gắt gao. Bà Trang vợ ông, một người phụ nữ có nhan sắc thương yêu ông hết mực bị một sỹ quan Pháp để ý và mặc dù đã ôm hai con trai vào Sài Gòn lẩn trốn, chờ chồng nhưng vẫn không sao thoát khỏi số phận. Biệt tin chồng sau nhiều năm, tưởng ông đã mất, lại bị o ép, bà buộc phải thành hôn với người chồng Pháp đã kiên trì theo đuổi mình và có thêm 8 người con với người chồng mới.
Năm 1954, từ những tin tức của dòng người ở Hải Phòng di cư vào Nam, bà Trang nghe phong phanh ông Thông vẫn còn sống đã từ chiến khu về Hà Nội cùng Đoàn Thể Công, bà đã nhờ mẹ đẻ của mình đưa 2 con trai riêng của ông và bà là Nguyễn Phú và Nguyễn Thọ trở ra Hải Phòng giao cho mẹ chồng với mong muốn “để cha con gặp nhau”.
      Một năm sau giải phóng miền Nam, vào một ngày của năm 1976, “thầy” Thông nhận được bức điện tín từ Sài Gòn “Gửi Nguyễn Thông Ty TDTT Lạng Sơn. Em đã gặp anh Tiền (tức ông Mười Tiền, nguyên cầu thủ Thể Công, lúc này là Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang). Anh vào ngay. Địa chỉ em 260 Bùi Thị Xuân. Em chờ. Điện cho em biết chừng nào vào?”. Ông Thông lập tức xin nghỉ phép vào Nam. Bà Trang ra tận ga Sài Gòn đón. 30 năm mới lại gặp nhau, hai ông bà mừng mừng, tủi tủi, mắt nhoà đi không nói nên lời. Biết tin Nguyễn Thông vào thăm vợ cũ, người chồng Pháp đã tự mình về nước, tế nhị để bà ở lại cùng ông. Khi hàn huyên, Bà Trang kể năm 1960 có gửi thiệp ra Bắc xin ông tha lỗi, báo tin đã lấy chồng và giục ông tục huyền. Hôm nay bà hỏi “Sao mình vẫn ở vậy?”. Ông không trả lời, nhưng Bà Trang hiểu, với ông, bà là người duy nhất. Bà và ông đã sống lại những kỷ niệm xưa. Một tháng nhanh chóng trôi qua, đã đến lúc chia tay, Bà Trang mắt nhòe lệ, lưu luyến không muốn rời xa ông… Nguyễn Thông cố nén xúc động nói với bà: “Mình giờ đã thêm 8 đứa con nhỏ… Ngoài Bắc hai con Phú, Thọ đều đã trưởng thành…Thôi mình cứ yên tâm đi đi…”.
       Nguyễn Thông trở lại Lạng Sơn với trái tim tan nát. Ông suy sụp hẳn. 15 năm ở Lạng Sơn trong cảnh “cơm niêu, nước lọ” cô đơn vì mặc cảm, Nguyễn Thông đã cố gắng làm được nhiều việc cho phong trào TDTT tỉnh biên thùy phía Bắc. Lãnh đạo tỉnh dành cho ông  chế độ ưu đãi, nhưng Nguyễn Thông từ chối chỉ xin “được ở cái chòi gác sân cho tiện công việc huấn luyện bóng đá”. Và ông đã đi về cõi vĩnh hằng ở cái chòi gác ấy một cách vô cùng cô đơn và lặng lẽ…
Cho đến ngày giỗ năm nay (22/5/2010), chị Bình - vợ Nguyễn Thọ - con trai thứ của ông đưa cho người viết xem 3 tờ giấy còn lưu bút tích ông Thông để lại sau khi gặp lại Bà Trang năm 1976 ở Phú Nhuận mà họ cất giữ như của quý: “Sen trách lòng bèo vội xin lui. Để mình sen ở lại những ngậm ngùi nhớ thương”. Và “Qua cầu cúi xuống trông cầu, Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”; tờ giấy cuối cùng ghi: “Thà rằng đừng gặp cho xong, Gặp em để rồi đau khổ cả đời...”      
          Ai giải quan cho ông?
Nguyễn Thọ, con trai thứ của ông Nguyễn Thông kể lại, khi bà Trang biết tin bố anh bị kỷ luật vì tội “quan hệ nam nữ bất chính”. Bà bất bình nói “Sao kỳ vậy, đàn ông không vợ, con gái chưa chồng thì có quyền yêu nhau, lấy nhau ai mà cấm được chứ. Rất vô lý, thế mà ba con không nói rõ cho cấp trên hiểu sao?!”. Đây là việc hệ trọng trong đời Tiểu Vương túc cầu, là nỗi đau khổ của một người quân tử bị hãm hại một cách hèn hạ bởi những con người hồ đồ, độc ác nhưng lại có quyền phán xét người khác.
       Phó Trưởng Đoàn TDTT Quân đội Nguyễn Thông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba cùng nhiều giấy khen, bằng khen khi còn trong quân ngũ và công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam. Ngày 12/9/1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Quyết định số 67 NDB tặng “Bảng Gia đình vẻ vang” cho cụ Nguyễn Thị Thanh - mẹ đẻ ông Nguyễn Thông.
      Những cán bộ tuổi 60, 70 trở lên thuộc ngành TDTT không ai không biết danh thủ bóng đá Nguyễn Thông. Nhiều người là học trò của ông. Không kể cuộc đời cầu thủ bóng đá lẫy lừng 15 năm, Nguyễn Thông còn cống hiến cho nền TDTT nước nhà liên tục từ năm 1954 đến năm 1980, chưa kể những năm trong kháng chiến chống Pháp, vậy mà cho đến nay, ông chưa  hề được nhận một tấm Kỷ niệm chương hoặc Huy chương “Vì Sự nghiệp TDTT” của ngành TDTT Việt Nam. Trong khi đó, nỗi oan của ông vẫn đeo đẳng theo ông dưới mồ…
Sự bất công của số phận hay sự thờ ơ của những người có trách nhiệm?
                                         
                                            HUYỀN THOẠI “TÚC CẦU TIỂU VƯƠNG”

Nguyễn Thông sinh ngày 12/7/1913 tại Làng Thịnh Yên thuộc Phường Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông mê bóng đá từ nhỏ và bắt đầu đá bóng cho các đội một cách có bài bản từ năm 1930. Ông là một trong những cầu thủ đi nhiều nơi, đá cho nhiều đội bóng nổi tiếng nhất Việt Nam khi ấy.
Năm 1930, Nguyễn Thông theo các đàn anh và bạn bè từ Bắc vào Nam. Dừng chân ở nhiều nơi, thử giò cẳng với nhiều đội như Ngôi sao Gia Định, Cercle Sportif Saigonnais, Gia Định Sport, Etôile Gia Định, Commerce Sport Khánh Hội, Hiệp Hòa Victoria…nhưng ông quyết định đầu quân cho Etoile Gia Định. Đây là đội bóng đã từng vô địch Nam Kỳ liên tiếp những năm 1932, 1933, 1935, 1936. Cuối năm 1936, Nguyễn Thông tạm biệt Sài Gòn trở ra Miền Trung. Ông đã đến đầu quân cho một đội bóng ở Phan Thiết, sau đó chơi cho Tourrane Huế…Ông đã từng khoác áo và giao đấu với các đội Touran Đà Nẵng, Faifo Hội An, Sep Huế với những cầu thủ ấn tượng như: Tương, Tỷ, Gà…Nghệ An có áo vàng ASNA của Trần Xuân, Tống Viết Khánh. Lúc này, Bắc Kỳ cũng có nhiều đội hay như: Stade Hanoien, Jeunese Tonkinnoise, Eclait, Racing, Septo, Nội Châu, Usaga (Hỏa xa), Olimpic Hải Phòng, Cotonkin Nam Định…Cầu thủ nổi tiếng có Hạp, Quỳ, Viễn, Hối, Thọ ve, Thìn A (thân sinh Ba Đẻn, Cao Cường), Ba Già, Bình, Chấn, Mỹ, Luyến Ưng, Tý Bồ, Bưởi, Tý Đường, Thiêm…Ở Hà Nội ông đá cho Racing Club đến năm 1938. Trong sơ đồ chiến thuật WM, Racing Club nổi danh với hàng tiền đạo Nguyên, Goòng, Thông, Hối, Viễn. Đây là Ngũ hổ Bắc kỳ với những câu thơ được lan truyền trong giới mộ điệu bóng tròn Việt Nam như sau :
Hữu biên Nguyên sút thẳng căng
Đường ban lắt léo cứ “quăng” (góc chữ A) chui vào
Hữu nội trí lớn, tài cao,
Chu Goòng giữ lấy ai nào dám tranh
Trung phong nổi tiếng sân banh
Chàng Hùng Mậu Hối chẳng dành cho ai
Tả nội là một anh tài,
Nguyễn Thông nhỏ bé, giữ vài năm na.
Tả biên bách bộ như bay,
Hai chân như một sút ngay chẳng ghìm
Lại tài luồn lách như chim,
Là chàng Hữu Viễn chẳng tìm ai hơn...
Từ năm 1939 đến năm 1945 Ông cùng với tả biên Viễn về đầu quân cho Olimpic Hải Phòng và đây là thời điểm “đầu Thông chân Viễn” làm mưa làm gió sân cỏ Băc kỳ. Chuyện kể rằng, Thông và Viễn đá bóng với nhau như đôi tri kỷ. Khi Thông “xẻ” một đường bóng xuống biên trái, như một con tuấn mã, Viễn băng băng lao xuống không cần suy nghĩ và quan sát, anh tạt bóng vào đúng lúc cái đầu của Nguyễn Thông lao tới, như người ta tả: Thông xuất hiện bay người trên không dùng trán “gõ” đánh chát, đưa trái bóng bay như ngôi sao sa tung lưới thủ môn đối phương. Mặc dù nhiều đội biết điều này nhưng không dễ gì ngăn chặn căp bài trùng “đầu Thông chân Viễn” lập công.
        Hồi ký của cố Đại tá Ngô Xuân Quýnh- một trong những người dạy ông đá bóng- viết “Anh Thông dạy chúng tôi phải học thật nhiều. Đừng để người đời nhìn cầu thủ là loại “quần đùi, áo số chạy lăng xăng” và “phát triển tứ chi, ngu si đầu óc”. Anh bảo: Mọi người hãy gắng lên để chứng minh bóng đá là một thứ văn hoá, là nghệ thuật. Đã là cầu thủ, cần phải hiểu sâu, biết rộng, có trí thông minh để ứng phó với các đường bóng khôn lường trên sân cỏ. Cái đẹp của bóng đá phải ở kỹ thuật điêu luyện và thể lực tốt, cộng với sự ăn nhịp của lối đá tập thể, sự ứng xử cá nhân rất cần linh hoạt, tài trí ngoài dự đoán của mọi người mà ít khi lặp lại…”.
Là một cầu thủ lừng danh nhưng Nguyễn Thông luôn khiêm tốn và đúng mực. Khi được hỏi “Tại sao giới hâm mộ tôn vinh anh là “Túc cầu Tiểu Vương”?, Nguyễn Thông lý giải rất khiêm nhường“Thời ấy, Nam Hoa là một đội bóng có tiếng của Trung Quốc. Họ rất hay đi giao đấu quốc tế và thường hay sang đấu ở Việt Nam. Những năm đầu sang ta (khoảng những năm 1930-1940) họ thường thắng rất đậm nên tỏ ra huyênh hoang, ngạo mạn. Trong đội Nam Hoa có trung phong Lý Huệ Đường cao tới 1m80 chơi nổi bật và hay ghi những bàn thắng quan trọng. Người Trung Hoa yêu quý, ca ngợi ông ta là “Thiết cước Đại vương”, Túc Cầu Đại vương”. Vào khoảng năm 1937, Nam Hoa được  mời sang Saìgòn thi đấu. Không hiểu có phải do chủ quan hay không mà kết thúc hiệp 1, Nam Hoa bị Tuyển Nam Kỳ dẫn tới 3-0. Vậy mà vào hiệp 2, một mình Lý Huệ Đường tả xung hữu đột, sút liền 3 trái, đưa tỷ số hòa 3-3. Sau đó ông ta còn ghi 1 bàn thắng nữa nâng tỷ số lên 4-3. Nhưng đến phút cuối cùng bị Tuyển Nam Kỳ san bằng cách biệt 4-4. Tính khí Lý Huệ Đường kiêu căng, ông ta coi bóng đá Việt Nam như ếch ngồi đáy giếng, tỏ ý miệt thị cầu thủ Việt Nam. Anh em ức lắm. Những lần sau  các cầu thủ hậu vệ của ta quyết tâm vô hiệu hóa Lý. Ấn tượng nhất và nổi tiếng nhất là trận đấu hậu vệ Cao Hoài Cúi người Long An kèm sát khiến Lý Huệ Đường tê liệt, Nam Hoa thua trận. Lý bẽ mặt và không dám coi thường bóng đá nước nhà nữa. Thế là Túc Cầu Đại Vương mất thiêng. Sau lần Nam Hoa đại bại, anh em cầu thủ Việt Nam bảo nhau: Họ có Túc Cầu Đại Vương thì ta cũng phải có Túc Cầu Tiểu Vương chứ kém ai! Và thế là mình được anh em gọi vui là Túc Cầu Tiểu Vương từ đó. Có gì là to tát đâu”.
 Với Nguyễn Thông chỉ đơn giản là vậy, nhưng với người hâm mộ và giới bóng tròn Việt Nam khi ấy, đó là sự tôn trọng là sự ngưỡng mộ tài năng kiệt xuất của một danh thủ lẫy lừng.
Năm 1945, từ khi còn đá cho OLIMPIC Hải Phòng Nguyễn Thông đã tham gia lực lượng công an xung phong của Việt Minh  cướp chính quyền ở Hải Phòng. Ông đã từng bị bọn Quốc dân Đảng đánh gãy mấy cái răng vì cùng đồng đội bảo vệ hòm phiếu ngày bầu cử Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 6/1/1946. Sau thời gian bị kẹt lại vì mất liên lạc, Ông tiếp tục theo một đơn vị Khu 3 tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông đi hết đơn vị này đến đơn vị khác nhưng vì giấy tờ thất lạc, đơn vị cũ giải thể, cán bộ phụ trách mỗi người một nơi nên ông bị thiệt thòi so với các bạn cùng lứa. Cho đến khi ở Trường Sỹ quan lục quân những năm sau đó, mặc dù là giáo viên, ông cũng chỉ là chiến sỹ trong khi giáo viên thường là Trung đội trưởng(vì không có cơ sở để thăng quân hàm). Mãi đến ngày 23/09/1954, khi Đoàn TDTT Quân Đội được thành lập (Thể Công), ông mới được phong cấp Trung đội trưởng vì lúc này là HLV kiêm cầu thủ .

Vũ Mạnh Hải
(theo tư liệu của nhà báo thể thao
 Trương Xuân Hùng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét